Ba mẹ có biết? Đừng biến bất đồng trở thành khoảng cách “vô hình” với con trẻ UTS Ba mẹ có biết? Đừng biến bất đồng trở thành khoảng cách “vô hình” với con trẻ

Ba mẹ có biết? Đừng biến bất đồng trở thành khoảng cách “vô hình” với con trẻ

TIN TỨC

19/02/2022

Bất kỳ mối quan hệ gần gũi nào cũng sẽ có lúc trải qua những lúc khó khăn. Đặc biệt giữa ba mẹ và con cái, với sự khác biệt tuổi tác cùng nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác, đôi khi vô tình tạo ra những tranh luận hoặc bất đồng không mong muốn.

Ở vị trí ba mẹ, Phụ huynh vừa phải chăm lo cho cuộc sống gia đình, vừa có trách nhiệm to lớn là giúp các con hiểu được sự khác biệt giữa tốt và xấu, đúng và sai và những chuẩn mực đạo đức quan trọng khác để chuẩn bị cho cuộc sống. Tuy nhiên ở con trẻ, đặc biệt là tuổi mới lớn, cố gắng để được công nhận là người độc lập, trưởng thành và mong muốn chứng tỏ bản thân trở nên vô cùng mạnh mẽ. Nhưng ba mẹ đôi lúc sẽ có những quy tắc và kỳ vọng riêng dành cho con. Do đó, trong quá trình giáo dục và hướng dẫn con, chắc hẳn nhiều gia đình đã gặp không ít giây phút chẳng mấy vui vẻ giữa ba mẹ và con cái.

Dưới đây UTS sẽ điểm qua một số điều giúp các bậc Phụ Huynh có thể hạn chế và cải thiện vấn đề này:

1. Cả ba mẹ và con đều không cần phải là “người chiến thắng” trong những tranh cãi

Trước tiên, ba mẹ cần trang bị cho mình một tâm lý và suy nghĩ thoải mái hơn, rằng tranh cãi là điều khó có thể tránh khỏi trong gia đình. Đôi khi, cuộc sống bộn bề khiến ba mẹ không phải lúc nào cũng có thể chú ý, quan tâm và đủ nhạy bén để nhận ra những tín hiệu từ các con. Hay sẽ có lúc ba mẹ cũng gặp khó khăn trong việc kiềm chế những phản ứng tiêu cực trước các hành vi phạm lỗi của con.

Tuy nhiên, thay vì lo lắng thái quá hay cố gắng gồng mình để trở nên nghiêm khắc, ba mẹ có thể lựa chọn hành động khác đi theo hướng tích cực hơn. Trên thực tế, điều con cần nhất trong những tranh cãi không phải trở thành “người chiến thắng”, mà là được lắng nghe và thấu hiểu. Khi bất đồng xảy ra, ba mẹ có thể tập kiềm chế cơn nóng giận, và để dành những lý lẽ, những điều muốn nói vào một thời điểm khác phù hợp hơn. Mục đích cuối cùng của chúng ta chính là muốn con có thể hiểu hơn về vấn đề đó, vì vậy hãy lựa chọn thời điểm và cách phản ứng ít gây tổn thương nhất cho cả 2 bên.

2. Không ai có lỗi trong việc bất đồng quan điểm

Các mối quan hệ giữa phụ huynh và con cái thường hơn kém nhau từ 2-4 thập kỉ. Vì vậy, việc bất đồng quan điểm là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, một vài ba mẹ thường có xu hướng phản ứng gay gắt về những trái ngược trong quan điểm sống của con. Điều này khiến những đứa trẻ xuất hiện cảm xúc tức giận và phòng thủ để bảo vệ cái tôi của mình, đôi khi có thể đem tới “chiến tranh lạnh”.

Trong những lần bắt buộc phải đặt ra giới hạn cho con, chìa khóa để duy trì kết nối chính là ba mẹ cần thấu hiểu cảm xúc của các con ngay tại thời điểm đó. Ba mẹ có thể tìm hiểu về tâm lý của con trẻ qua những khóa học, hoặc lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia. Dần dần, ba mẹ có thể học cách đồng cảm với mong ước của con và dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn, giúp con hiểu được những mục tiêu tốt đẹp chúng ta muốn con hoàn thành trước khi con thực hiện nhu cầu của bản thân. Ví dụ: “Mẹ biết con muốn ra ngoài chơi, nhưng điều quan trọng là con phải hoàn thành bài tập về nhà trước. Sau đó, con có thể đi chơi một chút.” Điều này tốt hơn nhiều so với việc chỉ nói “Không, con không được đi ra ngoài, con phải ở nhà làm bài tập.”

3. “Chọn chuyện mà cãi”

Một giáo sư Xã hội học đã nói: “Sự khoan dung dễ duy trì hơn khi ta giữ khoảng cách lành mạnh với những người quá khác mình”. Chúng ta nên chia những xung đột thành hai loại:

“Đáng tranh luận” gồm những chủ đề ảnh hưởng trực tiếp, lập tức, hay nghiêm trọng tới cuộc sống của con. Có thể là khi thấy con lái xe với tốc độ quá nhanh, nhưng khi nhắc nhở thì con liên tục khẳng định là vẫn đảm bảo an toàn. Đây chắc chắn là chủ đề sẽ cần phải ngồi lại để nói vì nếu không, cái giá phải trả là rất đắt.

“Không đáng tranh luận” gồm những vấn đề không ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc cần nhiều thời gian hơn để thay đổi. Ví dụ khi con muốn xin nghỉ buổi ngoại khóa, ba mẹ cần quan tâm và nói chuyện để khích lệ hoặc thấu hiểu con hơn, chứ không nhất thiết phải bắt con tham gia theo ý ba mẹ.

Việc phân loại sẽ giúp ba mẹ quyết định được cách xử lý tiếp theo cho tình huống xung đột đó, hạn chế những tiêu cực và khoảng cách vô hình không đáng có, khiến cả con và ba mẹ phải chịu tổn thương hay khó chịu.

Tạm kết

Con đường ngắn nhất để hóa giải mọi mâu thuẫn, xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái là thông qua sự chia sẻ, thấu hiểu đời sống cảm xúc và nhu cầu bức thiết của trẻ. Sự quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn, nhu cầu, ước mơ của trẻ rất có ý nghĩa cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ luôn cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng. Khi con trẻ muốn được độc lập, tự chủ, cha mẹ hãy tự hào vì điều đó, và hãy tạo điều kiện hết sức để trẻ khẳng định mình trong ngưỡng quản lý của cha mẹ.

Tin tức và sự kiện nổi bật