Bộ Quy Tắc Ứng Xử, Khen Thưởng Và Kỷ Luật - UTS
Bộ Quy Tắc Ứng Xử, Khen Thưởng Và Kỷ Luật
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1 Bộ quy tắc Ứng xử, Khen thưởng và Kỷ luật

Tại UTS, các quy tắc được vạch rõ ràng và được thực thi nhất quán. Cách thức khen thưởng và kỷ luật học sinh của Nhà trường được thiết kế dựa vào 6 Giá trị Cốt lõi của UTS:

6 Giá trị Cốt lõi

  • Chính trực: Học sinh UTS biết giữ chữ tín, luôn đề cao sự thật và nói không với những hành vi sai trái.
  • Tôn trọng: Học sinh UTS tôn trọng bản thân cũng như những người khác. Thế giới hiện nay là nơi các nền văn hóa được kết nối và hòa nhập với nhau, học sinh không chỉ giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn cần phải thấu hiểu và tôn trọng các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
  • Bản lĩnh: Học sinh UTS kiên nhẫn, kiên cường, sẵn sàng chinh phục mục tiêu cá nhân và đương đầu với thử thách, đồng thời tự tin thể hiện quan điểm với năng lực bản thân.
  • Cống hiến: Học sinh UTS vận dụng các kiến thức và kỹ năng đã học vào cuộc sống để giúp ích bản thân, gia đình và xã hội.
  • Học tập suốt đời: Học sinh UTS không ngừng khám phá và tìm tòi thế giới xung quanh, biết vận dụng kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình vào thực tiễn.
  • Sáng tạo: Học sinh UTS phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và biết cách phát triển và thực thi ý tưởng mới.

Tại UTS, chúng tôi là một cộng đồng gần gũi, gắn bó thân thiết với nhau. Bộ quy tắc Ứng xử, Khen thưởng và Kỷ luật áp dụng cho tất cả học sinh tại UTS để cộng đồng học sinh UTS có thể học tập an toàn và tích cực cùng nhau.

1.2 Mục tiêu của Bộ quy tắc Ứng xử, Khen thưởng và Kỷ luật

Toàn thể đội ngũ giáo viên và nhân viên tại UTS luôn cố gắng tạo ra một môi trường học đường giáo dục toàn diện cho học sinh.

“Mỗi giáo viên và nhân viên tại UTS đều là một nhà giáo dục, mang trong mình sứ mệnh truyền cảm hứng và ươm dưỡng tài năng và giá trị cá nhân trong từng học sinh.”

UTS kỳ vọng học sinh luôn thể hiện chuẩn mực hành vi cao nhất

Bộ quy tắc ứng xử, khen thưởng và kỷ luật rõ ràng sẽ đóng vai trò then chốt trong sự thành công và hiệu quả của việc dạy và học. Bộ quy tắc này được thiết kế nhằm:

  • Tạo ra một môi trường học tập tích cực
  • Đưa ra quy tắc ứng xử, khen thưởng và kỷ luật phù hợp
  • Thúc đẩy việc can thiệp sớm và ngăn chặn nạn bắt nạt học đường
  • Đảm bảo tính công bằng và nhất quán trong việc xử lí hành vi học sinh, đảm bảo kỳ vọng và chiến lược của Nhà trường được phổ biến rộng rãi và hiểu rõ
  • Phối hợp gia đình và Nhà trường cùng thực thi bộ quy tắc này

Nhà trường kỳ vọng nhận được sự đồng thuận từ phía cha mẹ học sinh, học sinh để đạt được chuẩn mực ứng xử cao nhất trong và ngoài môi trường học đường, khi di chuyển đến trường và về nhà theo văn bản quy định này.

1.3 Quy tắc Ứng xử đối với học sinh

Học sinh cần phải ứng xử lịch sự và biết tôn trọng bạn bè cũng như những người xung quanh. Tại UTS, tiếng nói của học sinh luôn được lắng nghe, tôn trọng và ghi nhận.

Các quy tắc sau đây là nền tảng của bộ quy tắc ứng xử đối với học sinh:

1) Học sinh phải tuân theo các quy tắc cơ bản sau đây trong lớp:

  • Lên lớp đúng giờ và chuẩn bị đầy đủ sách vở và các dụng cụ học tập cho buổi học
  • Lắng nghe khi giáo viên giảng bài
  • Làm theo hướng dẫn của giáo viên
  • Giơ tay phát biểu khi có câu hỏi
  • Luôn tôn trọng và ứng xử lịch sự với người khác

2) Học sinh phải tuân theo Quy định Đồng phục của Nhà trường.

3) Học sinh phải tuân theo tất cả các quy định về an toàn và sức khỏe trong lớp học cũng như quanh khuôn viên trường.

4)  Học sinh nên đối xử công bằng và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Học sinh không được nói tục, chửi thề, đưa ra các bình phẩm phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính,  lăng mạ hoặc sỉ nhục người khác.

5)  Học sinh không được sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, cũng như đem các vật và/hoặc chất cấm đến trường.

6)  Học sinh phải tránh những hành vi làm phiền và/hoặc quấy nhiễu người khác.

7)  Trong trường hợp học sinh không đáp ứng được các quy định của Nhà trường, Nhà trường sẽ có các biện pháp rõ ràng để xử lí  các hành vi vi phạm.

1.4 Hệ thống khen thưởng

Hệ thống khen thưởng của Nhà trường được thiết kế nhằm  vinh danh và công nhận thành tích của học sinh trong tất cả các khía cạnh của chương trình đào tạo.

Hệ thống khen thưởng được phát triển dựa vào hệ thống khen thưởng của Chương trình Phổ thông Quốc gia, Chương trình tiếng Anh và hệ thống nhà của UTS.

1.5 Kỷ luật tích cực

“Mỗi đứa trẻ đều cần một người lớn không bỏ cuộc vì chúng. Hãy là người lớn ấy mà đứa trẻ cần.”

Tại UTS, Nhà trường hiểu rằng giáo dục hiệu quả đi đôi với phương pháp tiếp cận đúng đắn đối với các hành vi của học sinh. Kỷ luật học sinh là nỗ lực tích cực của Nhà trường trong việc duy trì một môi trường học tập an toàn và tôn trọng. Đó là quá trình làm việc với trẻ, hướng dẫn, chỉ bảo và trợ giúp các em nhận thức được những điều đúng và sai, nên làm và không nên làm trong môi trường học đường nói riêng và trong cuộc sống nói chung – một sự nhận thức từ bên trong bản thân học sinh chứ không phải là sự áp đặt từ bên ngoài.

Để làm được điều đó, Nhà trường áp dụng giáo dục kỷ luật tích cực, một phương pháp giáo dục đạo đức giúp học sinh tiến bộ hơn trên cơ sở học sinh tự tìm, tự nhận ra và tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đây là các biện pháp kỷ luật lấy việc tôn trọng học sinh làm nền tảng thông qua việc giáo dục học sinh bằng tình thương, ý thức trách nhiệm và sự công bằng.

Giáo dục kỷ luật tích cực tập trung vào việc:

  • Giáo dục cho học sinh điều gì nên làm
  • Gia tăng ý thức chủ động của học sinh
  • Gia tăng thái độ tích cực của học sinh với việc học và trường lớp
  • Gia tăng mức độ tham gia của học sinh vào các hoạt động trong và ngoài lớp
  • Giảm xu hướng hung hăng của học sinh
  • Dạy cho học sinh nhận diện những hành vi tích cực
  • Gắn kết mối quan hệ giáo viên và học sinh

Nhà trường kỳ vọng cha mẹ học sinh và học sinh phải nhận biết và hiểu các quy định của trường liên quan đến hành vi được chấp nhận và không được chấp nhận tại UTS. Quy định kỷ luật của Nhà trường được xây dựng dựa trên niềm tin tuyệt đối về một môi trường giáo dục nhân văn, không mang tính trừng phạt, phi bạo lực. Để làm được điều này, tất cả những thành viên thuộc cộng đồng UTS có trách nhiệm tạo ra một môi trường tích cực trong khuôn viên trường hoặc tại bất kỳ sự kiện nào của trường. Trong quản lý lớp học, giáo viên và nhân viên UTS thấm nhuần tư tưởng giáo dục công bằng, kỳ vọng nhất quán và thấu cảm với nhu cầu của từng học sinh.

Chúng tôi cam kết đặt việc học tập của học sinh lên hàng đầu và luôn cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất để không làm gián đoạn thời gian học tập của các em.

CHƯƠNG 2: BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ, KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT DÀNH CHO KHỐI TIỂU HỌC (KHỐI 1 ĐẾN KHỐI 5)
2.1 Giới thiệu

Đối với Khối Tiểu học, Nhà trường áp dụng 6 Giá trị Cốt lõi của UTS vào tất cả các nội quy lớp học, quy định khen thưởng và Kỷ luật như sau:

  • Chính trực – Học sinh UTS biết giữ chữ tín, luôn đề cao sự thật, nói không với các hành vi không trung thực, sai trái.
  • Tôn trọng – Học sinh UTS tôn trọng bản thân cũng như những cá nhân khác.
  • Bản lĩnh – Học sinh UTS mạnh dạn đương đầu với thử thách, thể hiện quan điểm với vốn kiến thức, kỹ năng vững chắc.
  • Cống hiến – Học sinh UTS vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học để giúp ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
  • Học tập suốt đời – Học sinh UTS không ngừng khám phá, học hỏi kiến thức từ môi trường xung quanh và áp dụng vào thực tiễn đời sống.
  • Sáng tạo – Học sinh UTS có tinh thần đổi mới, sáng tạo, biết phát triển và vận dụng những ý tưởng mới.

Vào đầu mỗi năm học, học sinh sẽ được giáo viên chủ nhiệm phổ biến về 6 Giá trị Cốt lõi và các quy tắc ứng xử liên quan.

2.2 Hệ thống khen thưởng

Hệ thống khen thưởng của Nhà trường được thiết kế nhằm vinh danh và công nhận thành tích của học sinh trong tất cả các khía cạnh của chương trình đào tạo.

Hệ thống khen thưởng được phát triển dựa vào hệ thống khen thưởng của Chương trình Phổ thông Quốc gia, Chương trình tiếng Anh và hệ thống nhà của UTS.

2.3 Bộ quy tắc Ứng xử đối với học sinh Tiểu học UTS

2.3.1 Trong lớp học

  • Lên lớp đúng giờ. Điều này có nghĩa là học sinh phải ngồi đúng vị trí của mình tại lớp học của mình khi chuông reo và tuân thủ giờ giấc theo chuông báo của trường.
  • Tham gia và hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập trong lớp khi được phân công.
  • Hoàn thành bài tập cá nhân một cách nhanh chóng và trật tự, hợp tác tốt đối với các bạn cho các bài tập nhóm.
  • Nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn của giáo viên.
  • Hoàn thành tất cả bài tập đúng thời gian quy định.
  • Giơ tay xin phát biểu, chỉ trả lời khi giáo viên yêu cầu và không được nói
  • Không tự ý lấy hoặc sử dụng đồ dùng cá nhân của người khác.
  • Không được vẽ hay viết lên bàn học, tường, v… và phải biết giữ gìn tài sản của lớp, của trường.
  • Tránh các hành vi gây rối như nói chuyện riêng, đập bàn, ném đồ vật và các hành vi khác làm xao lãng các hoạt động trong lớp học.
  • Nói năng lễ phép và đối xử nhã nhặn với các bạn.
  • Dùng lời lẽ phù hợp, không sử dụng tiếng lóng hay lời nói thiếu lịch sự.
  • Không được phép đem thức ăn, đồ uống (trừ nước lọc) vào lớp học. Bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi.
  • Lớp học là môi trường giáo dục, do đó các chủ đề bàn luận, ý kiến hay ngôn ngữ sử dụng phải chuẩn mực. Tuyệt đối không nói tục, chửi thề.
  • Hợp tác tốt với các bạn trong nhóm. Điều này có nghĩa không được cư xử thiếu tôn trọng, miệt thị với các bạn yếu hơn. Ngược lại, hãy cùng làm việc và dẫn dắt để giúp các bạn tiến bộ.

2.3.2 Bên ngoài lớp học

  • Khi di chuyển trong khu vực chung, hành lang hay hội trường, học sinh nên đi về phía bên phải, nhường phía bên trái của mình cho người đi theo chiều ngược lại hoặc đang vội.
  • Nghiêm cấm việc chen lấn hay xô đẩy.
  • Giữ cửa mở cho những người đi sau mình.
  • Gõ cửa trước khi vào lớp lúc giờ học đã bắt đầu.
  • Nói cảm ơn, dạ thưa và sử dụng ngôn ngữ lịch sự khi giao tiếp với người khác.

2.3.3 Khi sinh hoạt tập thể

Học sinh sẽ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động sinh hoạt tập thể trong suốt năm học. Trong những dịp như vậy, học sinh cần:

  • Tập trung tại điểm lớp của mình trước buổi sinh hoạt.
  • Đi cùng giáo viên và ngồi đúng vị trí của lớp mình.
  • Hợp tác, hỗ trợ và tham gia tích cực vào các hoạt động sinh hoạt tập thể.
  • Lắng nghe người hướng dẫn.

Vỗ tay là một hình thức ủng hộ phù hợp tại các buổi sinh hoạt tập thể. Nói chuyện riêng, nói thầm, huýt sáo, la hét, dậm chân, phản đối, chế giễu được xem là bất lịch sự.

2.3.4 Sử dụng điện thoại di động và các thiết bị điện tử cá nhân*

Để đảm bảo việc học tập của học sinh đạt lợi ích tối đa, học sinh không được mang điện thoại di động hay các thiết bị điện tử cá nhân khác tới trường trừ trường hợp sử dụng vì mục đích học tập (nhằm phát triển các kỹ năng công nghệ của thế Kỷ 21) khi có yêu cầu của giáo viên/Nhà trường. Trong trường hợp này, Nhà trường sẽ thông báo cho cha mẹ học sinh bằng văn bản để cha mẹ học sinh cung cấp cho học sinh các thiết bị điện tử cá nhân cần thiết để mang đến trường và học sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn của giáo viên về việc sử dụng các thiết bị đó.

Nếu vi phạm quy định trên, học sinh sẽ bị tịch thu điện  thoại/thiết bị điện tử (như đề cập ở phần tiếp theo) và/hoặc chịu các hình thức kỷ luật khác. Nhà trường không chịu trách nhiệm về bất kỳ thất lạc, mất mát hoặc thiệt hại nào khi học sinh mang điện thoại/thiết bị điện tử đến trường.

*Thiết bị điện tử cá nhân bao gồm nhưng không giới hạn đồng hồ thông minh và Ipad.

2.3.5 Chính sách “Không đụng chạm”

Học sinh phải có tác phong nghiêm túc, tránh thực hiện các hành vi như thể hiện cảm xúc thái quá với người khác nơi công cộng, chạy nhảy, chen lấn, xô đẩy, v.v… Hình thức và mức độ kỉ luật sẽ được áp dụng tùy theo mức độ vi phạm.

2.3.6 Tiền và đồ vật có giá trị

Nhằm hạn chế tối đa việc thất lạc hoặc mất mát các tài  sản có giá trị, học sinh cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Không mang các vật dụng có giá trị hoặc những khoản tiền lớn đến trường.
  • Không nên để những vật dụng có giá trị trong tủ cá nhân.
  • Không để ví, tập sách lưu niệm, máy tính, hoặc những vật dụng có giá trị khác ngoài tầm quan sát, kể cả khi trong lớp có người giám sát.

            Nhà trường không chịu trách nhiệm về bất kì mất  mát, thất lạc hoặc thiệt hại nào xảy ra khi học sinh mang các tài sản giá trị hoặc tiền bạc đến trường.

2.3.7 Sử dụng các phương tiện, dụng cụ và cơ sở vật chất của trường

Học sinh phải có ý thức giữ gìn cẩn thận cơ sở vật chất và dụng cụ mà trường cung cấp để học sinh sử dụng. Trong trường hợp gây thiệt hại, hư hỏng các phương tiện, dụng cụ và cơ sở vật chất của trường, học sinh sẽ bị nhắc nhở, xử phạt và/hoặc đền bù tùy theo mức độ nghiêm trọng của thiệt hại, hư hỏng đã gây ra.

2.3.8. Nội quy sân chơi

Tất cả các trò chơi phải được diễn ra tại các khu vực quy định tương ứng.

  • Tuân thủ hướng dẫn của giáo viên vì sự an toàn của chính các em.
  • Không xô đẩy, gây mất trật tự khi tham gia các trò chơi.
  • Để cặp sách đúng nơi quy định, tránh trường hợp khiến các bạn khác vấp ngã.
  • Bảo quản khi sử dụng dụng cụ ở sân chơi, không nên sử dụng các dụng cụ ở sân chơi trong điều kiện bị ướt hoặc trơn trượt.
  • Tránh sử dụng các thiết bị hấp thu nhiệt trong thời tiết nắng, nóng để tránh tổn thương.
  • Không ném đá, gậy gộc, hoặc những vật khác có thể làm đau hoặc gây thương tích cho người khác.
  • Không vật nhau hoặc đánh nhau.
  • Không chạy ở lối đi bộ hoặc cầu

 

  • Không xô đẩy, chen lấn.
  • Không rượt theo bóng khi bóng chạy ra khỏi khu vực sân chơi. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị người lớn giúp đỡ.
  • Không chơi các trò chơi khó quá sức, bạo lực gây nguy hiểm.
  • Không cõng bạn trên lưng hoặc vai.
  • Không đá hoặc ném bất kì loại bóng nào vào tường, trừ khu vực dành riêng cho hoạt động này.
  • Khi tập trung vui chơi ở khu vực bên ngoài, học sinh chỉ được phép trở vào lớp khi giáo viên yêu cầu.
  • Báo ngay cho giáo viên hay người hỗ trợ khi làm rơi, vỡ đồ vật, ly thủy tinh trong sân chơi.
  • Cẩn thận khi chơi với bạn. Không chơi mạnh tay, nhất là khi chơi với các em nhỏ tuổi hơn.

2.3.9. Nội quy căn-tin

  • Học sinh chỉ được phép ăn uống trong phạm vi căn-tin. Tuyệt đối không được ăn uống ngoài phạm vi này.
  • Khi ở căn-tin, học sinh phải ngồi đúng nơi quy định.
  • Sau khi nhận được phần ăn của mình, học sinh phải ngồi ăn tại chỗ, không được chạy nhảy khắp nơi gây mất trật tự và chỉ di chuyển khi được người lớn cho phép hoặc yêu cầu.
  • Dọn dẹp bàn ăn của mình sau khi ăn/uống xong. Bỏ vỏ chai, lon, túi gói thức ăn vào đúng nơi quy định.
  • Học sinh có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung tại căn-tin.

2.3.10. Nội quy xe buýt

Kỷ luật trên xe buýt là trách nhiệm chung của học sinh, cha mẹ học sinh và Nhà trường. Để mang đến một môi trường an toàn và trật tự trên xe buýt, học sinh phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) 10 quy định khi đi xe buýt

1) Tuân thủ sự hướng dẫn của tài xế/bảo mẫu.

2) Lên xuống xe một cách an toàn.

3) Ngồi đúng vị trí và đeo đai an toàn.

4) Không táy máy tay chân.

5) Không ném đồ.

6) Không vứt đồ qua cửa sổ

7) Giữ trật tự, không làm phiền tài xế và người khác.

8) Không dùng những lời lẽ báng bổ, khiếm nhã, mang theo vật cấm hoặc phá hoại tài sản chung.

9) Không ăn uống.

10) Có ý thức trách nhiệm, an toàn.

Thời gian học sinh di chuyển trên xe được  tính như một phần thời gian học tập trong ngày tại trường. Xe buýt trường học được xem là “khuôn viên mở rộng của Nhà trường”. Vì lẽ đó, khi học sinh sử dụng  xe buýt cũng có nghĩa là các em đang ở trong “khuôn viên Nhà trường”. Hành vi không đúng mực trên xe buýt có thể dẫn đến việc đình chỉ đi xe buýt, đình chỉ học và các hoạt động học tập liên quan.

b) Các vấn đề liên quan khác

  • Cha mẹ học sinh/Người giám hộ được yêu cầu đứng chờ xe cùng học sinh cho đến khi các em được xe rước.
  • Học sinh phải chờ đến khi xe dừng hẳn mới lên xe.
  • Học sinh phải luôn luôn lịch sự, chờ đến lượt lên xe và sử dụng tay vịn.
  • Tuân theo hướng dẫn của tài xế/bảo mẫu và ngồi đúng vị trí hướng dẫn.
  • Không đứng hoặc đi lại lung tung khi xe đang chạy.
  • Không thò tay hoặc đầu ra ngoài cửa sổ
  • Không rời khỏi chỗ ngồi khi xe chưa dừng hẳn.
  • Chờ đến lượt, không tụ tập cản đường người khác.
  • Nắm chắc tay vịn.
  • Cha mẹ học sinh/Người giám hộ các em học sinh phải có mặt tại điểm đón để đón trẻ.

c) Quy trình xử lí kỷ luật đối với những vi phạm trên  xe buýt

  • Tài xế/bảo mẫu cảnh cáo.
  • Học sinh vi phạm được yêu cầu ở lại gặp mặt tài xế/bảo mẫu sau khi các học sinh khác xuống xe.
  • Học sinh vi phạm được xếp ngồi lên vị trí phía trước.
  • Học sinh vi phạm được đưa đến văn phòng trường, đồng thời cha mẹ học sinh được thông báo về hành vi vi phạm của học sinh.

2.3.11. Các nội quy khác

  • Tôn trọng tất cả giáo viên và đội ngũ nhân viên Nhà trường.
  • Thực thi nghiêm túc các nội quy, quy định của Nhà trường.
  • Tuân thủ các quy định về trật tự, an toàn xã hội trong khuôn viên trường học.
  • Học tập chăm chỉ, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tự giác trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh.
  • Luôn duy trì và phát huy những hành vi gương mẫu. Khi mắc lỗi, hãy biết nhận lỗi và sửa lỗi.
  • Không được buông xuôi và thỏa hiệp với những hành vi tiêu cực.

2.4 Kỷ luật học đường

Kỷ luật không phải để trừng trị, không mang tính độc đoán, gây bối rối, hoặc cưỡng ép. Kỷ luật là quá trình làm việc với trẻ, giúp các em nhận thức được những điều đúng và sai, nên làm và không nên làm trong môi trường học đường nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Kỷ luật hướng đến tính cải thiện và hòa giải. Mục tiêu của kỷ luật là hướng dẫn, chỉ bảo và trợ giúp học sinh nâng cao ý thức chấp hành các quy định, nội quy Nhà trường – một sự nhận thức từ bên trong bản thân học sinh chứ không phải là sự áp đặt từ bên ngoài.

Quá trình kỷ luật bao gồm bốn yếu tố cơ bản sau đây:

  • Chỉ ra cho học sinh thấy những gì các em đã làm.
  • Hình thành ý thức tự chịu trách nhiệm trong bản thân các em.
  • Cho các em cơ hội giải quyết, khắc phục các vấn đề vi phạm.
  • Tôn trọng và giữ gìn phẩm giá cho các

Những phần sau đây mô tả chi tiết những vi phạm, quy trình kỷ luật và những hậu quả có thể xảy ra, từ mức độ thấp, ít nghiêm trọng đến các trường hợp nghiêm trọng nhất. Trong một chừng mực cho phép, các hình thức kỷ luật được áp dụng như một hình thức dạy dỗ nhằm cải thiện, khích lệ và uốn nắn hành vi của học sinh về sau. Trong tất cả các trường hợp, những cán bộ công nhân viên chịu trách nhiệm duy trì trật tự, kỷ luật trong Nhà trường sẽ thực hiện việc điều tra toàn diện, công bằng và nhất quán, có xem xét thỏa đáng các yếu tố sau:

  • Độ tuổi của học sinh vi phạm kỷ luật, mức độ hiểu biết và những hình thức kỷ luật trước đó (nếu có).
  • Bản chất của sự việc cụ thể, mức độ hậu quả gây ra và đặc biệt là hành động vi phạm có cố ý hay không.

2.4.1 Mức độ 1

a) Vi phạm mức độ 1

  • Thường xuyên trêu chọc các bạn hoặc những người xung quanh và/hoặc xưng hô không phù hợp.
  • Quậy phá trong khuôn viên Nhà trường và/hoặc trên xe buýt.
  • Nói năng, cử chỉ không phù hợp hoặc có hành vi gây mất trật tự trong trường, lớp và/hoặc trên xe buýt.
  • Phát ngôn (kể cả ngôn từ và văn bản) hoặc hành động làm gián đoạn quá trình học tập và giảng dạy.
  • Thường xuyên đi học trễ.
  • Không mặc đồng phục đúng quy định hoặc hình ảnh bề ngoài không phù hợp với lứa tuổi học sinh (nhuộm tóc, sơn móng tay, móng chân hay trang điểm quá mức).
  • Nhiều lần không chuẩn bị sách vở và/hoặc đồ dùng học tập.
  • Bất cẩn hoặc sử dụng các thiết bị điện tử hoặc máy tính khi chưa được phép hay không đúng quy định của trường.
  • Ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi ứng xử của học sinh khác.
  • Xả rác bừa bãi.

b) Hình thức kỷ luật mức độ 1

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, một trong các hình thức Kỷ luật sau sẽ được áp dụng:

  • Khiển trách và khuyên răn bằng lời kèm với một số hướng giải quyết như tịch thu thiết bị điện tử hoặc đổi chỗ ngồi trong lớp / trên xe buýt.
  • Khiển trách bằng văn bản.
  • Học sinh viết bản kiểm điểm.
  • Thông báo cho cha mẹ học sinh.
  • Họp với cha mẹ học sinh (có biên bản cuộc họp thống nhất và cam kết các biện pháp giúp học sinh cải thiện hành vi).
  • Giới hạn một số đặc quyền của học sinh.

2.4.2 Mức độ 2

a) Vi phạm mức độ 2

  • Tái vi phạm các hành vi ở mức độ 1.
  • Đe dọa hoặc quấy rối/bắt nạt học sinh khác.
  • Ẩu đả hoặc chửi bới, đánh lộn.
  • Thường xuyên vi phạm các nội quy lớp học, nội quy sân chơi hoặc nội quy xe buýt (chỉ áp dụng đối với những học sinh sử dụng dịch vụ xe buýt).
  • Gây rối liên tục trong quá trình giảng dạy của giáo viên hoặc can thiệp quá mức vào quyền hạn của giáo viên trong lớp học.
  • Có hành vi không tôn trọng hoặc không nghe lời nhân viên của trường – thách thức, từ chối làm theo hướng dẫn của giáo viên.
  • Gian lận hoặc đạo văn.
  • Liên tục trốn học.
  • Ngôn ngữ hoặc hành vi thô tục/khiêu dâm.
  • Ném hoặc chọi những vật gây thương tích cho người khác.
  • Bất cẩn hoặc tự tiện sử dụng, làm mất hoặc hư hại tài sản hoặc các cơ sở vật chất khác của trường.

b) Hình thức kỷ luật mức độ 2

  • Tiếp tục các hình thức Kỷ luật mức độ 1 nhưng nghiêm khắc hơn.
  • Thông báo và/hoặc họp với cha mẹ học sinh.
  • Bồi thường thiệt hại.
  • Đình chỉ tham gia một số hoạt động
  • Đình chỉ quyền đi xe buýt trường (chỉ áp dụng đối với những học sinh sử dụng dịch vụ xe buýt).
  • Đình chỉ học tập 1-3 ngày (không tính những ngày trốn học). Học phí trong những ngày học sinh bị đình chỉ học tập hoặc bị đình chỉ tham gia các hoạt động của trường sẽ không được hoàn lại.

2.4.3 Mức độ 3

a) Vi phạm mức độ 3

  • Tái vi phạm các hành vi ở mức độ
  • Tống tiền.
  • Đánh nhau và/hoặc gây thương tích.
  • Có hành vi quấy rối, bao gồm nhưng không giới hạn những hành vi sau đây: phân biệt chủng tộc, màu da, hình thể, quốc tịch, sắc tộc, tôn giáo, tập tục tín ngưỡng, khuyết tật hoặc giới tính.
  • Trộm cắp, cướp giật trong và ngoài trường.
  • Xâm nhập hoặc sử dụng các thiết bị, cơ sở vật chất của trường khi chưa được cho phép.
  • Phá hoại tài sản cá nhân hoặc tài sản của trường.
  • Mang theo vật dụng dạng vũ khí trong trường.

b) Hình thức kỷ luật mức độ 3

  • Tiếp tục các hình thức Kỷ luật mức độ 2, nhưng nghiêm khắc hơn.
  • Bồi thường thiệt hại.
  • Đình chỉ học tập từ 1-5 ngày học theo quyết định của Nhà trường tùy theo mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Học phí trong thời gian này sẽ không được hoàn lại.

2.4.4. Mức độ 4

a) Vi phạm mức độ 4

  • Tái vi phạm các hành vi ở mức độ 3.
  • Tàng trữ, sử dụng hoặc mua bán các loại dược phẩm/chất gây nghiện bất hợp pháp hay các dược phẩm gây hại đến sức khỏe của bản thân cũng như những học sinh khác bao gồm nhưng không giới hạn các sản phẩm như: thuốc lắc, thuốc phiện, cần sa, heroin, v…
  • Tàng trữ vũ khí nguy hiểm hoặc bất cứ các thiết bị nào có nguy cơ bị kích nổ hoặc nổ trong khuôn viên trường hoặc trong các sự kiện do trường tổ chức.
  • Hành vi bạo lực nghiêm trọng đối với học sinh khác hoặc nhân viên của trường.
  • Hành vi báo cháy giả.

b) Hình thức Kỷ luật mức độ 4

  • Tiếp tục các hình thức kỷ luật mức độ 3 nhưng nghiêm trọng hơn.
  • Bồi thường thiệt hại.
  • Đình chỉ học tập trong 1 tuần. Học phí trong thời gian học sinh bị đình chỉ học tập sẽ không được hoàn lại.

2.4.5 Mức độ 5

a) Vi phạm mức độ 5

  • Các hành vi tái vi phạm mức độ 4.
  • Có ý thức và chủ động tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, v.v…
  • Dùng vũ khí đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác.
  • Hành vi phóng hỏa.

b) Hình thức kỷ luật mức độ 5

  • Tiếp tục các hình thức kỉ luật mức độ 4 nhưng nghiêm  trọng hơn.
  • Bồi thường thiệt hại.
  • Đình chỉ học tập trong 1 năm.

c) Các trường hợp cho thôi học khác

Nhà trường bảo lưu “quyền áp dụng hình thức thôi học” trong các trường hợp sau:

1) Học sinh có các bệnh lí như rối loạn về tình cảm, hành vi, các hạn chế về khả năng học tập hoặc các khiếm khuyết khác ảnh hưởng đến khả năng học tập và môi trường học tập của những học sinh khác bao gồm thiểu năng trí tuệ, tự kỷ hoặc tăng động, được phát hiện trong thời gian học tập tại trường, hoặc do cha mẹ học sinh không phát hiện, không thông báo trước khi học sinh nhập học. Do đặc tính của bệnh khó có chẩn đoán, Nhà trường sẽ quyết định cho học sinh ngưng học và gia đình có trách nhiệm đưa học sinh về điều trị bệnh và theo học tại một môi trường chuyên biệt phù hợp trên cơ sở sau:

(i)  kết quả giám định của đơn vị có chức năng phù hợp hoặc bệnh án hoặc ý kiến của bác sĩ chuyên khoa,

(ii) và/hoặc ý kiến của đa số các giáo viên giảng dạy trực tiếp học sinh có dấu hiệu bệnh.

Nếu có mâu thuẫn giữa (i) và (ii) thì (ii) được ưu tiên áp dụng.

2) Nhà trường phát hiện cha mẹ học sinh cung cấp thông tin sai lệch về hồ sơ học sinh để được vào học tại trường hoặc vì các mục đích khác.

CHƯƠNG 3: BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ, KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT DÀNH CHO KHỐI TRUNG HỌC (KHỐI 6 ĐẾN KHỐI 12)
3.1 Giới thiệu

Trong các hoạt động học tập và giảng dạy tại trường, Nhà trường luôn đề cao việc làm gương và khuyến khích học sinh luôn có hành vi ứng xử văn minh với nhau trong mọi lúc. Nhà trường khuyến khích mỗi học sinh chịu trách nhiệm cho việc học tập của mình, biết tôn trọng bản thân, bạn bè và môi trường xung quanh.

Những hành vi ứng xử văn minh đều được ghi nhận và khen thưởng bằng nhiều cách, trong phạm vi lớp học và cộng đồng trường học. Bộ quy định khen thưởng và xử phạt của Nhà trường được thực hiện dựa trên 6 Giá trị Cốt lõi như sau:

  • Chính trực: Học sinh UTS biết giữ chữ tín, luôn đề cao sự thật và nói không với những hành vi sai trái
  • Tôn trọng: Học sinh UTS tôn trọng bản thân cũng như những người khác. Thế giới hiện nay là nơi các nền văn hóa được kết nối và hòa nhập với nhau, học sinh không chỉ giữ gìn bản sắc cá nhân và bản sắc dân tộc mà còn cần phải thấu hiểu và tôn trọng các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
  • Bản lĩnh: Học sinh UTS kiên nhẫn, kiên cường, sẵn sàng chinh phục mục tiêu cá nhân và đương đầu với thử thách, tự tin thể hiện quan điểm và thông thạo nhiều ngoại ngữ.
  • Cống hiến: Học sinh UTS vận dụng các kiến thức và kỹ năng đã học vào cuộc sống để giúp ích bản thân, gia đình và xã hội.
  • Học tập suốt đời: Học sinh UTS không ngừng khám phá và tìm tòi thế giới xung quanh, biết vận dụng kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình vào thực tiễn.
  • Sáng tạo: Học sinh UTS phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và biết cách phát triển, thực thi ý tưởng mới.

3.2 Hệ thống khen thưởng

Hệ thống khen thưởng của Nhà trường được thiết kế nhằm vinh danh và công nhận thành tích của học sinh trong tất cả các khía cạnh của chương trình đào tạo.

Hệ thống khen thưởng được phát triển dựa vào hệ thống khen thưởng của Chương trình Phổ thông Quốc gia, Chương trình tiếng Anh và hệ thống nhà của UTS.

3.3 Quy tắc ứng xử và kỷ luật dành chung cho toàn trường

Tại UTS, các quy định kỷ luật đều mang tính nhân văn và đề cập đến những biện pháp kiểm soát hợp lí nhằm thúc đẩy sự phát triển của cá nhân học sinh cũng như tính tự giác khi liên kết với 6 Giá trị Cốt lõi. Mục tiêu của việc kỷ luật là rèn giũa nhân cách của học sinh và tạo ra một môi trường học tập hiệu quả. Kỷ luật cần phải được duy trì trong  trường học khi học sinh hợp tác với giáo viên và bạn bè để đạt được các mục tiêu trong học tập và rèn luyện. Bộ quy tắc ứng xử không chỉ giới hạn trong giờ học hoặc khuôn viên Nhà trường. Một khi đã là học sinh UTS thì ở đâu cũng là học sinh UTS. Chính vì vậy, Nhà trường có quyền hạn chính đáng đối với việc xử lý hành vi vi phạm được thực hiện dù trong hay ngoài khuôn viên trường.

3.4 Hành vi ứng xử phù hợp của với học sinh

Học sinh có trách nhiệm:

  • tuân theo quy định của Nhà trường cũng như lớp học
  • học tập và làm theo chương trình học đã được định ra
  • tôn trọng, tiếp nhận và nghe theo sự hướng dẫn của giáo viên cũng như nhân viên Nhà trường
  • đi học đúng giờ
  • lịch sự với bạn bè và giáo viên – nhân viên Nhà trường
  • bảo quản tài sản của trường
  • tôn trọng quyền và tài sản của người khác
  • giữ gìn tài sản cá nhân và không tự ý đụng chạm vào đồ hoặc vào người khác
  • không mang, sử dụng đồ ăn vặt, kẹo cao su và các loại nước uống không phù hợp (trừ nước lọc).
  • để cặp sách và các dụng cụ học tập trong ngày vào trong hộc bàn, còn những tài liệu học tập khác nên được cất trong tủ locker.
  • không mang các vật sắc nhọn (dao, vũ khí, v.v…) vào trường.

3.5 Quy định sử dụng Tủ locker

Vào ngày đầu tiên đi học, mỗi học sinh đều được phân cho một tủ locker để sử dụng trong năm.

Học sinh chủ động chuẩn bị đồ dùng học tập và sách vở cho các tiết học vào các thời điểm: Đầu giờ buổi sáng, các giờ ra chơi, sau giờ ngủ trưa. Học sinh không được tự ý đi lấy sách vở trong tủ locker giữa giờ học, ngoại trừ trường hợp có yêu cầu đặc biệt từ phía giáo viên.

  • Khu vực tủ locker là khu vực đông người qua lại, vì vậy học sinh cần phải chú ý tôn trọng mọi người.
  • Bất kỳ hành vi xô đẩy hoặc khiếm nhã tại khu vực tủ locker đều không được phép.
  • Học sinh cần phải biết tự bảo quản đồ dùng cá nhân của mình và phải tự trang bị khóa cho tủ locker của mình.
  • Học sinh cần phải tôn trọng tài sản của người khác, không được phép mở tủ locker của người khác mà không có sự cho phép trong bất kỳ trường hợp nào.
  • Đồ ăn và nước uống không được để trong tủ locker.
  • Tủ locker là tài sản của Nhà trường, do đó, học sinh không được trang trí tủ bằng những vật dụng không dễ gỡ bỏ vào cuối năm học (ví dụ: không dán hình dán hoặc viết, vẽ lên tủ). Vào ngày sinh nhật, học sinh có thể trang trí tủ locker của bạn mình bằng giấy gói quà, dây ruy băng cùng một tấm thiệp đơn giản. Đồ trang trí sinh nhật có thể được để trong vòng một tháng. Học sinh chỉ được dùng băng dán loại Blue Painter’s Tape để dễ dàng gỡ bỏ. Nếu có bất kỳ tổn hại nào do băng dính, viết, vẽ hoặc đồ trang trí, học sinh sẽ chịu trách nhiệm và phải đền bù cho Nhà trường để tủ locker trở về nguyên trạng.

3.6 Quy định về đồng phục

  • Tất cả học sinh UTS phải tuân thủ Quy định về Đồng phục của trường như đã được nêu trong Cẩm nang cha mẹ học sinh-Học sinh.
  • Những vi phạm thường gặp đối với học sinh THCS và THPT là:

1) Váy quá ngắn (nữ sinh)

2) Quần trễ quá mức (nam sinh)

3) Đồng phục không đúng (đồng phục thường ngày và đồng phục thể dục)

4) Đồng phục không đủ bộ

5) Đồng phục bị lệch màu

3.7 Điện thoại di động và các thiết bị điện tử cá nhân

Quy định sử dụng điện thoại di động và các thiết bị điện tử cá nhân:

  • Học sinh không được sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử cá nhân trong phạm vi khuôn viên trường học (từ 7: 50 sáng đến khi học sinh ra về), trừ khi được giáo viên yêu cầu.
  • Học sinh không được sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử cá nhân trong suốt quá trình diễn ra hoạt động chính khóa và ngoại khóa, trừ khi được giáo viên yêu cầu.
  • Tại các khu vực Nhà trường có trang bị sẵn máy tính như thư viện, khu làm dự án, v.v…, học sinh được phép sử dụng những thiết bị đó cho các mục đích học tập, tra cứu thông tin.
  • Nếu cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ muốn liên lạc với Học sinh thì phải thông qua giáo viên chủ nhiệm hoặc nhân viên trường.

*Thiết bị điện tử cá nhân bao gồm nhưng không giới hạn những thiết bị như đồng hồ thông minh hay Ipad.

Học sinh Trung học Cơ sở (Khối 6-9) không được sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại, ipad, đồng hồ thông minh, v.v… trong khuôn viên trường học mà không có sự đồng ý trước của giáo viên chủ nhiệm.

  • Nếu cần thiết, giáo viên có thể đề xuất nhu cầu sử dụng thiết bị với giáo viên chủ nhiệm, nhưng vào cuối tiết, giáo viên sẽ phải thu tất cả thiết bị và trả về lại.
  • Bất kỳ học sinh nào sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân trong khuôn viên trường đều sẽ bị tịch thu.

Đối với Học sinh Trung học Phổ thông (Khối 10-12): Học sinh được tự quản lý thiết bị của mình nhưng phải tuân thủ các quy định sử dụng của Nhà trường.

  • Học sinh được sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại chỉ trong phạm vi lớp học với mục đích phục vụ cho việc học khi được giáo viên yêu cầu.
  • Việc sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân cho những mục đích khác ngoài việc học sẽ bị tịch thu. Các thiết bị điện tử cá nhân cũng không được sử dụng trong giờ ra chơi.
  • Tùy thuộc vào thái độ và hành vi của học sinh mà học sinh có được nhận thêm quyền lợi sử dụng thiết bị điện tử cá nhân hay không.

Nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm nếu thiết bị của học sinh bị mất, đánh cắp hoặc hư hỏng. Vì những thiết bị kể trên rất dễ hư hỏng và rất tốn kém, học sinh không nên mang lên lớp trừ khi được giáo viên yêu cầu hoặc cho phép.

Nếu giáo viên, nhân viên Nhà trường phát hiện học sinh có sử dụng điện thoại hoặc nghe thấy tiếng điện thoại của học sinh, dù học sinh có đang sử dụng hay không, vào những thời gian hoặc địa điểm như trên, Nhà trường sẽ tịch thu điện thoại của học sinh.

3.7.1 Vi phạm lần đầu

  • Điện thoại sẽ bị tịch thu ngay lập tức và được đưa cho Bộ phận giám thị – có biên bản kèm theo.
  • Bộ phận giám thị sẽ gọi điện cha mẹ học sinh học sinh để thông báo rằng điện thoại của học sinh đã bị tịch thu. cha mẹ học sinh sẽ nhận được biên bản tịch thu và ký nhận. Thời gian tịch thu là một tuần.
  • Thiết bị tịch thu sẽ được niêm phong bởi học sinh và bộ phận giám thị, sau đó được cất giữ tại tủ an toàn có khóa và có camera giám sát.
  • Sau thời gian tịch thu, điện thoại còn nguyên niêm phong sẽ được trả lại cho học sinh hoặc cha mẹ học sinh – có xác nhận bằng biên bản. Nhà trường không chịu trách nhiệm về các trường hợp thiết bị bị hỏng sau thời gian tịch thu.
  • Học sinh sẽ bị phạt cấm túc ở lại trường sau giờ học 30 phút.

3.7.2 Vi phạm lần hai trở đi

  • Điện thoại sẽ bị tịch thu ngay lập tức và được đưa cho Bộ phận giám thị – có biên bản kèm theo.
  • Bộ phận giám thị sẽ gọi điện cha mẹ học sinh học sinh để thông báo rằng điện thoại của học sinh đã bị tịch thu. cha mẹ học sinh sẽ nhận được biên bản tịch thu và ký nhận. Thời gian tịch thu là một tháng.
  • Sau thời gian tịch thu, điện thoại còn nguyên niêm phong sẽ được trả lại cho học sinh hoặc cha mẹ học sinh – có xác nhận bằng biên bản. Nhà trường không chịu trách nhiệm về các trường hợp thiết bị bị hỏng sau thời gian tịch thu.
  • Học sinh sẽ bị phạt cấm túc ở lại trường sau giờ học 60 phút.

3.8 Tài sản nhà trường và Tài sản cá nhân

Tài sản của Nhà trường (bao gồm nhưng không giới hạn như bàn học, tủ locker, nhà vệ sinh, thiết bị trường học, v.v…) phải được bảo quản và sử dụng cẩn thận, không được cố ý làm hỏng bề mặt hoặc hủy hoại tài sản của trường. Nếu học sinh làm hỏng bề mặt hoặc hủy hoại tài sản của trường, học sinh sẽ phải có trách nhiệm khắc phục trả về nguyên trạng ban đầu. Đồng thời có thể bị xem xét xử lý kỷ luật.

Với các phòng học sử dụng chung, bất kỳ tài sản nào trong lớp cũng cần được tôn trọng kể cả tài sản của Nhà trường hoặc tài sản của các học sinh.

Bất kỳ tài sản nào tìm thấy ở bàn hoặc trong khu vực chung nên được trả về cho giáo viên hoặc nhân viên trường ngay lập tức để chủ nhân của tài sản đó có thể nhận lại. Đồ vật thất lạc sẽ được đặt trong tủ Lost and Found (tạm dịch: Mất và Tìm). Nếu Nhà trường phát hiện có học sinh tìm thấy và cố tình lưu giữ, gây hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản của người khác, Nhà trường sẽ tiến hành xử phạt học sinh này. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc mà học sinh sẽ chịu các hình thức kỷ luật khác nhau, và có thể lên đến hạ hạnh kiểm hoặc đình chỉ học tập.

3.9 Các biện pháp kỷ luật

Tại UTS, kỷ luật đi đôi với răn dạy đạo đức và các phương pháp kiểm soát đúng đắn, thúc đẩy sự phát triển cá nhân và ý thức tự giác của học sinh  trong việc thực hiện 6 Giá trị Cốt lõi. Mục đích của việc kỷ luật là để rèn giũa nhân cách của học sinh cũng như tạo ra một môi trường học tập tích cực.

3.9.1 Nhắc nhở

Nhà trường hiểu rằng học sinh thường trưởng thành bằng quá trình thử sai, do đó sẽ luôn có những lỗi mà bản thân học sinh không biết hoặc không cố tình vi phạm. Trong trường hợp các lỗi không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân và xung quanh thì học sinh sẽ được áp dụng biện pháp nhắc nhở. Điều này giúp học sinh nhận ra tính đúng sai trong các hành vi của mình và kịp thời điều chỉnh.

3.9.2 Viết bản kiểm điểm

Với những lỗi vi phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến bản thân học sinh và xung quanh hoặc việc lặp đi lặp lại nhiều lần các lỗi không nghiêm trọng học sinh sẽ được yêu cầu viết bản kiểm điểm để tự nhận thấy tính nghiêm trọng trong hành vi của mình. Hình thức viết bản kiểm điểm cũng thường được áp dụng đồng thời nhưng không bắt buộc với các biện pháp khác như: kỷ luật tích cực, cấm túc tại trường, v.v…

3.9.3 Kỷ luật tích cực (KLTC): Giáo dục nhân cách qua các lỗi vi phạm

Một số hành vi nhất định vi phạm quy định và văn hóa của Nhà trường. Khi có hành vi vi phạm xảy ra, giáo viên, nhân viên sẽ sử dụng biện pháp kỷ luật tích cực (KLTC) để ghi nhận và truyền đạt với học sinh và cha mẹ học sinh học sinh về sự việc và giải thích hậu quả của sự việc đó.

3.9.4 Hạ hạnh kiểm

          Với một số lỗi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến bản thân học sinh và xung quanh hoặc cố tình vi phạm nhiều lần, xem thường nề nếp của Nhà trường, Nhà trường buộc phải dùng đến biện pháp xử lý hạ hạnh kiểm.

3.9.5 Đình chỉ học tập

          Đây là hình thức kỷ luật cao nhất của Nhà trường, áp dụng cho những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho bản thân học sinh và xung quanh. Việc thực hiện đình chỉ học tập học sinh và cân nhắc thời gian đình chỉ sẽ được thực hiện bởi hội đồng kỷ luật Nhà trường.

Vào thời điểm đình chỉ:

  • Nhà trường sẽ thông báo cho cha mẹ học sinh qua điện thoại hoặc thông báo trực tiếp, sau đó Nhà trường sẽ gửi cho cha mẹ học sinh biên bản quyết định đã được Hiệu trưởng ký.
  • Tất cả các bài tập mà học sinh thiếu sẽ phải được hoàn toàn và chấm điểm bởi giáo viên.

Đình chỉ học liên quan đến vấn đề hạnh kiểm, không phải học thuật.

  • Học sinh bị đình chỉ học sẽ không được công nhận Học sinh giỏi.
  • Học sinh bị đình chỉ học sẽ bị loại khỏi danh sách tuyên dương của năm học.

3.9.6 Các hình thức kỷ luật khác

Đối với từng vi phạm cụ thể, giáo viên và nhân viên có thể lồng ghép sử dụng các biện pháp kỷ luật sau đây:

  • họp mặt với cha mẹ học sinh
  • giao các nhiệm vụ đặc biệt
  • tước bỏ quyền lợi
    • Không đủ điều kiện tham gia các sự kiện thể thao và/hoặc các hoạt động ngoại khóa khác
    • Mất quyền tham gia các hoạt động xã hội
    • Mất quyền tham gia dã ngoại với trường
  • phạt cấm túc sau giờ học

3.10 Các mức độ xử lý kỷ luật

Mức độ 1 – Cảnh cáo, nhắc nhở và yêu cầu suy ngẫm về lỗi vi phạm.

Mức độ này dành cho các lỗi vi phạm thông thường, không cố ý, xuất phát từ thói quen chưa phù hợp, chưa gây hậu quả nghiêm trọng và cần điều chỉnh hành vi.

  • Đi học muộn/vào lớp muộn.
  • Không chuẩn bị bài, sách vở, đồ dùng học tập, không làm bài tập.
  • Mặc sai đồng phục, vi phạm quy định về diện mạo.
  • Chen lấn, xô đẩy, cố tình đi sai làn/sai chiều mũi tên.
  • Sử dụng âm lượng không phù hợp, không tuân thủ nguyên tắc 1 người nói.
  • Không đeo thẻ Hallpass khi ra khỏi lớp giữa tiết học.
  • Mua/sử dụng đồ ăn ngoài giờ hoặc sai khu vực quy định (hành lang, lớp học).
  • Không giữ gìn cơ sở vật chất tại trường/lớp, bao gồm giữ gìn vệ sinh, tiết kiệm điện nước.
  • Không thực hiện đúng quy định theo từng khu vực (ví dụ đập bóng trong hành lang…).
  • Thể hiện thái độ không phù hợp như: ngủ, nằm bò ra bàn, cho chân lên ghế…; nói tự do, nói chuyện riêng, làm việc riêng không liên quan đến bài học, nói trống không với GV, vứt rác, khạc nhổ; trêu chọc bạn thái quá; đi lại tự do trong lớp; chơi bài dưới mọi hình thức.
  • Trêu chọc, bình luận khiếm nhã về quần áo, tóc hay vóc dáng, vẻ bề ngoài của người khác.
  • Tham gia vào đám đông trêu chọc bạn khác.
  • Lấy đồ của bạn để trêu chọc, làm phiền bạn khác.
  • Cố ý thực hiện hành vi gây rắc rối cho bạn khác.
  • Đổ tội cho bạn khác (không làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của HS).
  • Đe dọa không làm bạn với ai đó nếu bạn ấy không làm điều mình muốn.

Mức độ 2 – KLTC sau giờ học /Phạt cấm túc

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà giáo viên – nhân viên quyết định nên nhắc nhở bằng lời hoặc phạt KLTC/cấm túc. Những hành vi bị xử phạt:

  • Vi phạm liên tục 3 lỗi ở mức độ 1 trong vòng 30 ngày.
  • Vi phạm cùng 1 lỗi liên tục 2 lần trong vòng 30 ngày.

Chuyện gì xảy ra khi học sinh bị phạt KLTC/cấm túc?

  • Lao động công ích
  • Thực hiện yêu cầu của giáo viên (viết bản kiểm điểm, làm bài tập, v.v…)
  • Lao động công ích và thực hiện yêu cầu của giáo viên

Mức độ 3 – Viết bản kiểm điểm

Bản kiểm điểm sẽ được yêu cầu bởi giáo viên/nhân viên xử phạt và có chữ ký của học sinh vi phạm, bộ phận giám thị, GVCN. Đồng thời bản kiểm điểm phải được cha mẹ học sinh ký và đưa cho Bộ phận giám thị vào ngày đi học hôm sau.

Sau đây là những hành vi vi phạm có thể bị phạt viết bản kiểm điểm:

  • Học sinh lặp lại cùng 1 lỗi vi phạm thuộc mức độ 1 từ lần thứ 3 trong vòng 30 ngày, hoặc phạm 5 lỗi tổng hợp thuộc mức độ 1.
  • Học sinh có hành vi giao tiếp không văn minh lịch sự, nói tục chửi bậy.
  • Học sinh không giữ khoảng cách, hình ảnh cá nhân, thể hiện tình cảm trong khuôn viên trường học và trước cổng trường.
  • Thái độ không phù hợp như tự ý ra khỏi lớp; không hợp tác với giáo viên (từ chối thực hiện yêu cầu của giáo viên).
  • Học sinh sử dụng các thiết bị điện tử sai giờ quy định hoặc vì những mục đích không phù hợp.
  • Gọi bạn bằng tên khác để chế giễu, xúc phạm.
  • Tẩy chay, cô lập, xa lánh bạn khác.
  • Viết, nói xấu người khác tại nơi công cộng.
  • Sai khiến các bạn khác trong lớp phục vụ theo yêu cầu của mình: trực nhật hoặc làm bài tập cho mình, cho nhìn bài, sai bạn đi mua đồ ăn cho mình, v.v…
  • Phân biệt chủng tộc (chế giễu người khác về sự khác biệt dân tộc, màu da, ngôn ngữ, v.v…)
  • Nói xấu, tung tin đồn về người khác.
  • Viết hay vẽ về một người khác mà mình biết điều đó là không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh của người khác.
  • Sử dụng đồ dùng, tiền, tài sản của người khác mà không được sự đồng ý của họ.
  • Trêu chọc, lấn át khiến bạn khác cảm thấy sợ hãi.
  • Ném đồ vào người khác (quăng bàn ghế, đồ dùng, thức ăn, v.v…)
  • Gửi tin nhắn gây tổn thương qua điện thoại hoặc trên mạng.
  • Cố ý đổ tội cho người khác làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh cá nhân của họ.

Những hành vi này có thể bị xử lý kết hợp cùng biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo, phạt cấm túc. Bộ phận giám thị chịu trách nhiệm lưu giữ các bản kiểm điểm.

Mức độ 4 – Hạ hạnh kiểm

Với các lỗi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng gây hậu quả hay ảnh hưởng xấu tới bản thân, người xung quanh hoặc Nhà trường, học sinh được yêu cầu viết kiểm điểm và hạ một bậc hành kiểm nếu có một trong những hành vi sau:

  • Học sinh lặp lại cùng 1 lỗi vi phạm thuộc mức độ 3 từ lần thứ 3 trong cả năm học.
  • Bỏ giờ, trốn tiết, nghỉ học không lý do hoặc trốn ra khỏi trường.
  • Học sinh có những hành vi nói dối gây hậu quả (giả chữ ký, giả ốm, đưa lý do không chính xác để nghỉ tiết, nghỉ học, đặt điều không đúng sự thật, tự ý xin đến muộn, nghỉ tiết, nghỉ học, v.v…)
  • Không trung thực trong kiểm tra, thi cử như quay cóp, gian lận; Đạo văn.
  • Học sinh chơi các trò chơi bạo lực, nguy hiểm.
  • Không làm theo hoặc cố ý làm sai chỉ dẫn của giáo viên, cán bộ nhân viên Nhà trường trong các trường hợp khẩn cấp.
  • Mang đồ dùng nguy hiểm đến trường như vũ khí, vật có thể gây thương tích, đồ chơi nguy hiểm.
  • Khi tham gia giao thông Học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách/đánh võng trên đường, phóng nhanh vượt ẩu, chở quá số người quy định, v.v…
  • Đe dọa nhằm làm hại người khác trên các trang mạng xã hội.
  • Trấn lột tiền của các bạn, bắt các bạn đưa tiền cho mình.
  • Cố ý làm hư hại, làm hỏng đồ, phá hoại tài sản của người khác, của Nhà trường.
  • Tống tiền.
  • Xúc phạm, vô lễ với thầy cô, cán bộ nhân viên trong trường, các bạn học sinh dưới mọi hình thức (trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua mạng xã hội hoặc Internet nói chung, qua ứng dụng trong các phương tiện liên lạc điện tử, v.v…)
  • Đăng tải những bình luận, hình ảnh, video, hoặc những bí mật cá nhân của người khác bị làm sai lệch lên các trang mạng xã hội, trang web gây tổn thương hoặc làm người khác xấu hổ;
  • Đăng tải những hình ảnh, video của bản thân hoặc của người khác mà nội dung có tính chất dung tục, phản cảm.
  • Đăng lên mạng xã hội những bình luận hoặc nội dung mang tính chất bạo lực, căm thù, phân biệt về bất kỳ sắc tộc, tôn giáo nào.
  • Đăng nhập vào các tài khoản trên mạng của người khác và sử dụng khi không được cho phép.
  • Giả mạo người khác trên mạng xã hội ảnh hưởng đến hình ảnh của người khác.

Mức độ 5 – Đình chỉ học

Các hành vi sau đây có thể bị đình chỉ:

  • Học sinh lặp lại cùng 1 lỗi vi phạm thuộc mức độ 4 từ lần thứ 2 trong cả năm học.
  • Học sinh có những hành vi vi phạm pháp luật: hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá điện tử), không thực hiện luật an toàn giao thông, tàng trữ, sử dụng chất kích thích, rượu bia, văn hóa phẩm đồi trụy, các hành vi cờ bạc, cá độ dưới mọi hình thức.
  • Học sinh có hành vi trộm cắp tài sản của người khác hoặc Nhà trường.
  • Học sinh không thực hiện các quy định về an toàn PCCC, nghịch chuông báo cháy, thiết bị chữa cháy.
  • Quấy rối tình dục, cố tình đụng chạm vào vùng nhạy cảm của người khác.
  • Học sinh có hành vi vi phạm pháp luật: tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, gây thương tích cho người khác, can án ngoài trường bị công an bắt giữ hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương.
  • Học sinh có hành vi phá hoại tài sản của Nhà trường gây hậu quả nghiêm trọng.
  • Gây lộn, đánh nhau, cố tình làm đau người khác (đánh, đá, tát, cấu véo, v.v…)

3.11 Thực thi quy định của Nhà trường và Pháp luật

Nhà trường sẽ thay mặt cho cha mẹ học sinh trong thời gian học sinh học tập và sinh hoạt tại trường. Điều này có nghĩa mọi hành động của Nhà trường là vì lợi ích tốt nhất của học sinh, Nhà trường có trách nhiệm trong sự an toàn và hạnh phúc của trẻ trong thời gian học sinh học tập và sinh hoạt tại trường, đồng thời luôn tuân thủ luật pháp và quy định của Việt Nam.

Bộ quy tắc Ứng xử, Khen thưởng và Kỷ luật Đối với Học sinh THCS và THPT

Tất cả giáo viên, nhân viên và học sinh sẽ  thực hiện theo Bộ quy tắc Ứng xử, Khen thưởng và Kỷ luật của UTS. Đồng thời đây cũng là cơ sở để giáo viên thiết lập nội quy cụ thể trong lớp học. Học sinh sẽ phải tuân theo những quy định và quy tắc này.