Khen hiệu quả, tưởng dễ mà khó! Khen hiệu quả, tưởng dễ mà khó!

Khen hiệu quả, tưởng dễ mà khó!

TIN TỨC

23/02/2024

Chúng ta đã biết tác dụng tuyệt vời của lời khen đối với sự phát triển của con trẻ. Thế nhưng, khen ngợi không đúng cách đôi lúc có thể gây ra phản tác dụng và rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, khiến trẻ không biết được những điều đúng hoặc tự cao khi trưởng thành. Vậy làm thế nào để thực sự đưa ra được một lời khen hiệu quả?

Một “chiến lược” khen ngợi phù hợp sẽ giúp bậc cha mẹ dễ dàng đạt được mục tiêu hơn, hãy cùng UTS khám phá cách để khen hiệu quả thông qua bài viết dưới đây nhé!

Thế nào là “khen hiệu quả”?

Lời khen hiệu quả tập trung vào việc công nhận nỗ lực và hành vi cụ thể. Nghĩa là, chúng ta khen ngợi một đứa trẻ dựa trên nỗ lực mà các con đã bỏ ra để hoàn thành một việc gì đó; hoặc khen ngợi một hành vi cụ thể mà các con đã thể hiện. Ví dụ, thay vì liên tục nói "con giỏi lắm" hay "làm tốt lắm", cha mẹ có thể đưa ra lời nói chi tiết bằng cách mô tả cụ thể con đã làm tốt những gì và cần làm những gì để cải thiện.

Giáo sư Carol Susan Dweck tại Đại học Standford (Mỹ) khi nghiên cứu về “Tác dụng lời khen với trẻ em” đã chỉ ra rằng, việc khen ngợi nỗ lực của con sẽ tạo động lực cho con làm việc chăm chỉ hơn, lâu hơn và tận hưởng nó hơn.

 

Ba bước đưa đến một lời khen hiệu quả trong cuộc sống

Có rất nhiều phương pháp để đưa được một lời khen hiệu quả và phù hợp đến với một đứa trẻ hay cả một người trưởng thành, dưới đây là các bước mà UTS gợi ý để thực hành khen ngợi hiệu quả:

BƯỚC 1: Thể hiện sự tán thành, công nhận thông qua kết hợp lời nói và ngôn ngữ cơ thể

Ví dụ: bạn giơ ngón tay cái (thumbs up) và nói “Con làm bài tập tốt lắm!”

 

BƯỚC 2: Mô tả cụ thể hành vi tích cực mà bạn thấy

Ví dụ: “Mẹ thấy vui vì hôm nay ngoài hoàn thành bài tập, con đã giúp bạn Khánh làm bài khi bạn đang còn loay hoay.”

 

BƯỚC 3: Giải thích ảnh hưởng của hành vi tích cực đó lên cá nhân học sinh và những người xung quanh

Ví dụ: “Bạn Khánh sẽ rất vui và tự tin hơn khi có sự giúp đỡ của con. Hành động của con hôm nay rất đáng tự hào!”

 

Thông thường, chúng ta sẽ chỉ dừng lại bước số (1). Tuy nhiên, bước số (2) và số (3) mới chính là những nhân tố chính tạo nên một “lời khen hiệu quả”. Một lời khen chân thành với cảm xúc chân thành đến từ một người chân thành sẽ luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho bất kỳ ai nhận được nó.

 

Một số kiểu khen ngợi không hiệu quả thường gặp

Khen ngợi về phẩm chất cá nhân. Cũng theo nghiên cứu của Giáo sư Carol Susan Dweck, những lời khen ca ngợi phẩm chất cá nhân, chẳng hạn như trí thông minh không hiệu quả và có thể phản tác dụng. Khen ngợi một đứa trẻ về một phẩm chất vốn có (ví dụ: “Con thông minh lắm”) không cho trẻ biết cụ thể trẻ đã làm tốt điều gì hoặc nên làm gì để cải thiện. Mặc dù thừa nhận kỹ năng của trẻ không phải là điều xấu nhưng đó chưa phải là lời khen ngợi hiệu quả.

Lời khen thiếu sự chân thành. Trẻ em tuy nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể phân biệt được lời khen chân thành hay không. Khen ngợi một đứa trẻ vì điều mà chúng không làm hoặc phóng đại hành động có thể tạo ra tác dụng phụ tiêu cực trong tương lai.

Khen-quá-thường-xuyên. Điều gì quá nhiều cũng không tốt, khen ngợi trẻ quá thường xuyên có thể dẫn đến việc phụ thuộc quá nhiều vào sự công nhận từ bên ngoài. Những đứa trẻ nhận được quá nhiều lời khen ngợi có thể hình thành nỗi sợ thất bại, từ đó trẻ sẽ ít dám thử những điều mới. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải cân bằng việc khen ngợi với những lời góp ý thẳng thắn, trọng tâm và chi tiết.

 

Thực hành khen hiệu quả và đưa lời khen đến trẻ

Dưới đây là một số ví dụ lời khen đã được áp dụng công thức 3 bước nêu ở trên, :

  • Mẹ thấy rằng con đã bỏ rất nhiều công sức cho dự án lần này. Con thấy đó, càng thực hành nhiều con sẽ càng tự tin hơn.
  • Ba biết rằng hôm nay con buồn vì chưa đạt giải cao nhất. Ba thấy được sự quyết tâm của con. Con đã cố gắng hết sức rồi, hãy tự hào về bản thân nhé!
 

Áp dụng công thức “khen hiệu quả với 3 bước” sẽ là công cụ để chúng ta chung tay vào hành trình tạo ra những đứa trẻ tự tin và hạnh phúc. Đừng bỏ lỡ bài viết trong hành trình "Khen không khó" để hiểu thêm về một công cụ mới giúp giáo dục con trẻ một cách tích cực và hiệu quả.

Xem thêm: Lời khen và ảnh hưởng của nó đến kết quả học tập của trẻ

Tin tức và sự kiện nổi bật