Ba mẹ có biết? | Giúp con quản lý tài chính cá nhân hiệu quả UTS Ba mẹ có biết? | Giúp con quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Ba mẹ có biết? | Giúp con quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

TIN TỨC

10/02/2022

Trong hành trình lớn khôn của con, bài học về quản lý tài chính cá nhân là một trong những kiến thức quan trọng và ảnh hướng rất lớn đến sự phát triển và cuộc sống của con sau này. Tiền là đơn vị giao dịch chính hiện nay, chúng ta có thể dùng tiền để đáp ứng nhu cầu sống hàng ngày cũng như phục vụ cho sở thích cá nhân. Thế nhưng tiền cũng kéo theo nhiều “hệ lụy” ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Vậy nên, giáo dục về quản lý tiền bạc là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, một số ba mẹ có xu hướng không cho phép con tiếp xúc với tiền khi còn nhỏ, trong khi việc giải thích sớm cho trẻ biết khái niệm về tiền là một điều rất quan trọng. Để hình thành cho trẻ những hiểu biết, suy nghĩ và giá trị về tiền bạc, ba mẹ cần giúp con quản lý tài chính hợp lý bằng một số phương pháp sau đây.

Bắt đầu những kiến thức cơ bản khi còn nhỏ

Theo một số nghiên cứu, ba mẹ nên bắt đầu hướng dẫn trẻ quản lý tài chính càng sớm càng tốt, và thời gian thích hợp là từ 7 tuổi, bởi vì khi đó nhận thức của con đã được hình thành.

Ba mẹ nên bắt đầu từ việc giải thích tiền là gì và được sử dụng như thế nào. Ba mẹ có thể minh họa cho các con cách tiền được sử dụng trong thực tế cuộc sống hàng ngày để giúp con nhanh chóng làm quen hơn. Ví dụ đơn giản như: ba mẹ sẽ để con quan sát quá trình thanh toán khi mua hàng ở chợ hoặc siêu thị và giải thích cho các con hiểu được chúng ta đang dùng tiền để trao đổi những vật dụng cần thiết.

Tạo thói quen tiết kiệm

Những tiếp xúc đầu tiên của con với tiền có thể sẽ liên quan đến việc mua sắm. Sau khi con đã hiểu chức năng của tiền, tiếp đến ba mẹ cần giải thích cho con biết tiền đến từ đâu và chúng ta phải làm việc chăm chỉ như thế nào để có thêm thu nhập. Đó cũng là cách để các con ý thức rằng tiền không chỉ để chi tiêu – các con cũng nên tiết kiệm tiền thường xuyên.

Ba mẹ có thể giúp con rèn luyện thói quen tiết kiệm bằng cách cho con heo đất hoặc hũ tiết kiệm để có thể gửi tiền và đặt những mục tiêu tiết kiệm ngắn hạn như mua món đồ chơi con thích hay dành cho những dự định trong tương lai gần. Điều này giúp con quản lý tiền bạc tốt hơn, phân biệt rõ ràng mức độ ưu tiên khi mua sắm để chi tiêu hợp lý và suy nghĩ thật kĩ trước khi sử dụng tiền. Khi con lớn hơn, chúng ta có thể đặt những mục tiêu dài hạn hơn cho con.

Tạo cơ hội kiếm tiền

Các con cần có tiền của riêng mình để có thể học cách đưa ra quyết định về việc sử dụng nó. Tất nhiên ba mẹ có thể cho con một khoản trợ cấp nhỏ hàng tháng hay hàng tuần, nhưng bên cạnh đó, ba mẹ nên cân nhắc tạo điều kiện để con tự kiếm tiền tiêu vặt bằng cách làm một số công việc nhà. Tuy nhiên, có một số công việc nhà đơn giản như: rửa chén, trông em… thì các con sẽ không được trả tiền vì đây là việc mà một thành viên trong gia đình cần phải làm. Ba mẹ có thể đưa ra một số nhiệm vụ đặc biệt hơn như: dọn vườn, rửa xe…

Ba mẹ có biết? Giúp con quản lý tiền bạc hiệu quả

Giúp trẻ học cách đưa ra quyết định chi tiêu thông minh

Với một khoản trợ cấp và quyền tự định trong tay, ba mẹ chắc hẳn sẽ lo lắng rằng con sẽ nhanh chóng tiêu hết số tiền đó. Nhưng thay vì lo lắng thì ba mẹ cần giải thích cho con rõ ràng đây sẽ là số tiền để con chi tiêu trong khoảng thời gian nhất định và sẽ không nhận thêm khi chưa đến thời điểm được thỏa thuận trước. Do đó, con cần phải chi tiêu một cách hợp lý để không gặp tình huống bất ngờ xảy ra. Ba mẹ cần giúp con hiểu rằng chi tiêu không phải lúc nào cũng là để mua những thứ con muốn. Con cần được hướng dẫn cách ưu tiên dùng tiền cho những thứ con cần rồi mới đến những thứ ít quan trọng hơn.

Trở thành hình mẫu tốt cho các con

Cũng quan trọng như những bài học ba mẹ dạy con, là việc chính ba mẹ trở thành tấm gương quản lý và sử dụng tiền bạc hợp lý trước mặt các con. Ví dụ, nếu ba mẹ than phiền về việc phải chi tiêu quá nhiều cho một số thứ nhất định và sau đó đưa các con đi mua sắm thỏa thích, ba mẹ đang gửi đi những thông điệp mâu thuẫn. Thay vào đó, hãy đảm bảo rằng ba mẹ quản lý tiền bạc như cách ba mẹ muốn con mình tiếp nhận. Nếu ba mẹ muốn con mình hình thành thói quen chi tiêu và tiết kiệm tốt, ba mẹ cần cân nhắc khi đưa ra những lựa chọn chi tiêu và tiết kiệm thông minh. Tóm lại, hãy thực hành những gì ba mẹ giáo dục các con.

Giáo dục con cái về tài chính cá nhân là một quá trình có thể sẽ mất khá nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Nhưng nếu ba mẹ nỗ lực và liên tục truyền đi một thông điệp rõ ràng, nhất quán về tiền bạc, ba mẹ sẽ tạo được những thói quen tốt để hỗ trợ cho sự phát triển của các con.

Tin tức và sự kiện nổi bật