Lời khen trong môi trường học đường, thí nghiệm nhỏ về lời khen Tác dụng của lời khen trong môi trường giáo dục, cùng tìm hiểu một thí nghiệm về lời khen

Tác dụng của lời khen trong môi trường giáo dục, cùng tìm hiểu một thí nghiệm về lời khen

TIN TỨC

22/02/2024

Một nhà sử học người Anh, Thomas Fuller, từng nói: “Lời khen chẳng tốn một xu, nhưng nhiều người sẵn sàng trả giá cao cho nó”. Đâu là lần cuối bạn nhận được lời khen và trao lời khen cho những người xung quanh?

Lời khen luôn là nguồn động lực để một cá nhân kiên cường và trưởng thành hơn, đặc biệt là trẻ em, là những hạt mầm cần được tận tâm ươm dưỡng để phát triển ngay từ những giai đoạn đầu đời. Trong môi trường giáo dục, lời khen là phần thưởng tinh thần to lớn cho những nỗ lực mà học sinh cố gắng trong học tập, là "trạm sạc tự tin" để các bạn vững bước trên hành trình phát triển. Hôm nay, hãy cùng UTS đào sâu hơn về ý nghĩa của những lời khen trong học đường thông qua một thí nghiệm khoa học nhé!

 

Elizabeth B. Hurlock - Một nhà khoa học tâm lý nghiên cứu về “lời khen” và giáo dục tích cực

Quay ngược lại những năm đầu của thế kỷ 20, hãy cùng UTS gặp gỡ nhà tâm lý học người Mỹ, Elizabeth B. Hurlock (1883 – 1962), một trong những người tiên phong nghiên cứu về “lời khen” trong cuộc sống.

Bà là người đầu tiên đã chứng minh rằng việc sử dụng các biện pháp tích cực như khen ngợi và khen thưởng có thể có ảnh hưởng tích cực đối với hiệu suất học tập của học sinh, tạo động lực và tăng cường tinh thần tích cực trong quá trình giáo dục.

Trong môi trường học đường, việc được khen ngợi từ thầy cô giúp học sinh tiếp thêm sức mạnh để phát triển. Những lời khen giúp học sinh tự tin về bản thân, là động lực khiến các bạn có thêm sức mạnh, hiểu được giá trị bản thân và kiên cường tiến về phía trước.

 

Một thí nghiệm về lời khen trong môi trường giáo dục

Thí nghiệm được thực hiện vào năm 1925, theo đó, bà Hurlock đã tiến hành theo dõi 106 học sinh tiểu học và chia thành 3 nhóm. Các học sinh trong mỗi nhóm đều có học lực ngang bằng nhau và được giao những bài kiểm tra Toán giống nhau. Thí nghiệm được tiến hành trong 5 ngày liên tiếp, mỗi ngày 15 phút.

Sự khác biệt của 3 nhóm này như sau:

NHÓM 1: Không nhận được phản hồi từ giáo viên, hằng ngày các em vẫn chăm chỉ làm Toán.

NHÓM 2: Giáo viên khen ngợi và khuyến khích các em mỗi khi các em làm xong một bài Toán.

NHÓM 3: Giáo viên nghiêm khắc phê bình về những lỗi sai trong bài kiểm tra của các em.

Sau 5 ngày thí nghiệm, kết quả thành tích thu được như sau: Nhóm 2 có thành tích tốt nhất, tiếp theo đó là nhóm 3, nhóm có kết quả thấp nhất là nhóm 1. Liệu kết quả này có bất ngờ hay không?

  Kết quả thí nghiệm về lời khen trong giáo dục  

Thờ ơ, phê bình và khen ngợi, mỗi hành động nhỏ của những “người lớn” ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả cuối cùng của học sinh. Chắc hẳn chúng ta nhận ra rằng “thờ ơ” không bao giờ là hành động được những nhà giáo dục sử dụng đối với học sinh. Đồng thời, những câu phê bình cũng cần được thay bằng những lời động viên tích cực, cụ thể, rõ ràng để thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của học sinh.

 

Khen sao cho đúng?

Lời khen thực sự phát huy tác dụng khi chúng ta thực sự công nhận sự cố gắng của ai đó. Những lời khen sáo rỗng, không chi tiết, hời hợt và không chân thành là điều chúng ta nên tránh trong quá trình luyện tập khen ngợi.

“Không gì có thể thay thế tốt cho một vài lời khen khéo chọn, đúng lúc và chân thành. Chúng hoàn toàn miễn phí - và đáng giá cả gia tài.” - Sam Walton.

Khen ngợi cũng cần sự tinh tế cũng như “chiến thuật” để chạm được đến trái tim người nhận, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Vậy nên, hãy đón chờ những bài viết sắp tới của UTS xoay quanh về những điều nên và không nên làm để có một "chiến lược" khen ngợi trẻ em hiệu quả nhé!

Xem thêm: Khen hiệu quả, tưởng dễ mà khó!

Tin tức và sự kiện nổi bật