Giáo dục giới tính cho con: Những điều ba mẹ cần ghi nhớ UTS Giáo dục giới tính cho con: Những điều ba mẹ cần ghi nhớ

Giáo dục giới tính cho con: Những điều ba mẹ cần ghi nhớ

TIN TỨC

25/02/2022

Giáo dục giới tính cho con là một hành trình dài, không thể chỉ “nói một lần là xong” hay để con “lớn rồi sẽ tự biết”. Mà cùng với nhà trường, ba mẹ đóng vai trò là người dẫn dắt, người bạn đồng hành chia sẻ cùng con những kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Vừa qua, tại chia sẻ trực tuyến: “Ba mẹ đã nói con nghe về giáo dục giới tính?” được thực hiện bởi trường Quốc tế Nam Mỹ UTS hy vọng đã mang đến cho ba mẹ những thông tin thiết thực, giúp ba mẹ dễ dàng hơn để trò chuyện cùng con về chủ đề này.

Với sự tham gia của Giảng viên – thạc sĩ Sinh lý học Phan Thanh Hà và Giáo viên UTS – thạc sĩ Tâm lý học Đào Thị Nguyên Hoàng, chương trình không chỉ đề cập đến khía cạnh giáo dục giới tính được định nghĩa ra sao, khi nào thì nên bắt đầu mà còn xoay quanh các nội dung giúp bố mẹ hình dung nên bắt đầu như thế nào, nói về cái gì và làm sao để giúp con có những hành vi giới tính an toàn,… Cô Hà cho rằng giáo dục giới tính cho con như một dạng xoắn ốc, cùng 1 nội dung nhưng tùy vào độ tuổi, nhận thức, sự tò mò của bé mà có những cách giáo dục khác nhau. Ví dụ như về sinh sản thì giải thích cho một bé 5 tuổi và một bé 15 tuổi có sự khác biệt rất lớn.

Cùng UTS điểm lại một số nội dung chính mà ba mẹ nên lưu ý khi giáo dục giới tính cho con theo từng cấp độ sau đây:

Mầm non: Định dạng giới của con, giải pháp để phòng chống xâm hại: ai là người lạ, ai là người quen, ranh giới hành vi của từng người.

Lớp 1 - 3: Vệ sinh cơ quan sinh sản, ranh giới hành vi của mình và của những người xung quanh.

Lớp 4 - 5: Cơ thể có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, đặc biệt bạn gái, tình cảm bắt đầu nảy sinh, nói trước để con chuẩn bị tinh thần tốt nhất. Đến tháng thì phải làm gì, dạy con thay băng vệ sinh, đồ lót thường xuyên.

Lớp 6 - 7: Ở các bạn nam bắt đầu vỡ giọng, xuất tinh lần đầu, mộng tinh, ba mẹ cần giải thích cho con các hiện tượng này để giúp con không hoang mang, lo lắng. Ở các bạn nữ bố mẹ nên cho con lời khuyên về giữ vệ sinh trong thời gian kinh nguyệt ở nhà và ở các nơi công cộng. Ở độ tuổi này, bố mẹ cần đem lại cho con cảm giác an toàn, thoải mái để con có thể báo cho bố mẹ khi có những dấu hiệu bất thường.

Lớp 8 - 9: Các hành vi như xem phim khiêu dâm, thủ dâm, quan hệ tình dục có thể bắt gặp ở độ tuổi này. Ba mẹ cần trò chuyện cùng con để con thực sự nhận thức được các tác động có thể có của hành động đó lên cuộc sống của con. Từ đó giúp con hiểu được an toàn tình dục là như thế nào và giúp con tiết chế hay điều độ những nhu cầu của mình, để con không bị nghiện và quá phụ thuộc. Bởi vì đây là những nhu cầu tự nhiên, ba mẹ cần mở lòng để đón nhận và san sẻ cùng con thay vì phán xét và cấm đoán. Có như vậy, con mới có thể tự tin hơn và thực sự trưởng thành.

Lớp 10 - 12: Ba mẹ cần chia sẻ nhiều hơn với con về sức khỏe sinh sản, cách tránh thai, an toàn tình dục. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần lưu ý về xu hướng tính dục của con. Ba mẹ nên làm sao khi con nói rằng con có tình yêu đồng giới, con muốn thay đổi cơ thể mình? Thực tế, việc xác định con có xu hướng tính dục nào là nằm ở con và ba mẹ không thể và không nên thay đổi được điều đó. Điều ba mẹ có thể làm đó là đồng hành cùng con, lắng nghe và giúp con không nhầm lẫn trong việc xác định này. Bởi đôi khi, có thể con chưa thực sự hiểu rõ về nội tại của mình.

Tại Trường Quốc tế Nam Mỹ UTS, Giáo dục giới tính rất được chú trọng, các con được học từ những khối lớp nhỏ nhất trong chương trình chính khoá. UTS tin rằng bằng sự kết nối sâu sát giữa gia đình và nhà trường, các con sẽ được cung cấp những kiến thức và kỹ năng một cách toàn diện và khoa học.

Hôm nay, ba mẹ đã nói con nghe về Giáo dục giới tính?

Tin tức và sự kiện nổi bật