“Mỗi ngày, chúng ta chuẩn bị hành trang cho cuộc đời của các em” “Mỗi ngày, chúng ta đang chuẩn bị hành trang cho cuộc đời của các em”

“Mỗi ngày, chúng ta đang chuẩn bị hành trang cho cuộc đời của các em”

TIN TỨC

30/04/2022

Khi tiếp cận học sinh, giáo viên luôn cần thấu hiểu rằng mỗi học sinh đều cuộc sống, mong muốn, sở thích, khó khăn thế mạnh hoàn toàn khác biệt. vậy, sẽ không một phương pháp giảng dạy nào trên thế giới phù hợp với tất cả học sinh, đồng thời sẽ không lớp học nào diễn ra theo cùng một cách giống nhau qua mỗi ngày. 

Thời gian giảng dạy trực tuyến giúp chúng ta nhận thấy điều đó một cách rõ ràng hơn và cũng khiến Thầy nhớ lại những ngày Thầy giảng dạy môn Giáo dục Đặc biệt tại một trường song ngữ ở Hoa Kỳ. Có những phương pháp giảng dạy chỉ thực sự hiệu quả đối với một số trường hợp nhất định, hoặc cần phải điều chỉnh cho phù hợp với việc giảng dạy trực tuyến, phù hợp cho học sinh học ESL – (English as Second Language - Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai), cho học sinh song ngữ, học sinh khiếm khuyết hoặc trong một nhóm tuổi nhất định. Điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận các con như những cá thể độc đáo chứ không chỉ đơn thuần là một học sinh đang học Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai hay đang học chương trình song ngữ.

Nghề giáo là một nghề đòi hỏi sự đổi mới liên tục, và chúng ta cũng có thể học hỏi được nhiều điều từ việc tìm tòi và tham khảo các phương pháp giảng dạy ở những lĩnh vực ngoài chuyên môn khác. Chúng ta cũng nên lưu trữ nguồn tài liệu và phương pháp giảng dạy đã từng được áp dụng thành công trước đây và có sự chuẩn bị cho những tình huống ngoài dự kiến. Dưới đây là một vài phương pháp mà Thầy muốn chia sẻ với đồng nghiệp cũng như Phụ huynh:

  1. Sử dụng Phương pháp Phản xạ

Một phương pháp phổ biến mà các giáo viên đã áp dụng đều thấy hữu ích trong hầu hết mọi tình huống là TPR (Total Physical Response) - Phương pháp phản xạ. Đây là phương pháp dựa trên tiếp cận về khả năng thấu hiểu nội dung thường được áp dụng ở nhóm người học nhỏ tuổi và người mới bắt đầu, mặc dù vẫn có thể được áp dụng với bất kỳ học sinh nào.

Ở phương pháp này, giáo viên cung cấp cho học sinh ngôn ngữ cần phải học, và học sinh sẽ phản hồi lại bằng ngôn ngữ cơ thể theo hướng dẫn. Giáo viên cũng thường mô tả ngôn ngữ bằng cử chỉ và động tác để học sinh có thể hình dung và bắt chước theo. Tất nhiên, phương pháp này sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất ở một vài tình huống nhất định.

Ví dụ một hoạt động giảng dạy yêu thích của Thầy là tổ chức trò chơi đầu-vai-gối-và-ngón chân cho các em học sinh tiểu học. Học sinh sẽ chỉ vào bộ phận cơ thể tương ứng khi nói từ đó bằng tiếng Anh. Phương pháp TPR cũng giúp ích cho việc học từ vựng và tiếp thu cấu trúc ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất. Thầy đã áp dụng trong hầu hết các bài dạy và trong cả những cuộc hội thoại. Trên thực tế, con người chúng ta sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách rất tự nhiên, nhưng riêng với giáo viên thì sẽ cần phải chú ý nhiều hơn đến ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ trong quá trình dạy học. Sự thật là phương pháp TPR đã được phát triển bởi Tiến sĩ James Asher vào những năm 1960 từ chính việc quan sát cách cha mẹ dạy trẻ nhỏ học ngôn ngữ mẹ đẻ.

2. Đặt thêm nhiều câu hỏi cho học sinh

Phương pháp thứ hai mà Thầy luôn thấy hữu ích là đặt nhiều câu hỏi mở cho học sinh. Phương pháp này thường được áp dụng đối với học sinh lớn hoặc có học lực khá giỏi. Tuy nhiên, học sinh tiểu học cũng cần được hình thành khả năng ngôn ngữ của mình một cách sáng tạo. Trong thực tế cuộc sống, không có cuộc trò chuyện nào sẽ lặp lại y nguyên những mẫu câu từ sách giáo khoa. Điều này càng khẳng định vai trò của giáo viên trong việc khơi gợi và mở rộng vốn kiến thức cho học sinh.

Điều Thầy yêu thích nhất khi dạy các bạn lớp Một tại UTS trong năm học vừa qua, luôn là những buổi học bắt đầu một chương mới. Thầy sẽ chiếu bức ảnh bìa sách giáo khoa National Geographic lên bảng nhằm kích thích sự tò mò của các bạn và gợi mở nhiều hoạt động thú vị. Thầy luôn bắt đầu với câu hỏi, "Các con thấy gì trong hình?". Đôi khi, Thầy và học sinh dành phần lớn thời gian say mê thảo luận những điều các bạn thấy được trong hình và luyện tập kỹ năng đối thoại trong đời thật. Đôi khi các bạn còn tự sáng tạo ra các câu chuyện về con người và sự vật từ bức tranh đó. Có lần, cả lớp còn lên Google Earth để khám phá hình ảnh thực tế về địa điểm trong bức ảnh đó. Điều này đã giúp học sinh phát triển thêm những kỹ năng tư duy nâng cao, cụ thể như kỹ năng dự đoán.

Có lẽ sẽ khá nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng, Thầy đã ứng dụng rất nhiều phương pháp giảng dạy từ chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt của mình. Giáo dục Đặc biệt – giáo dục cho học sinh khiếm khuyết, là chuyên ngành đầu tiên của thầy khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy. Nhiều người nghĩ rằng Giáo dục Đặc biệt chỉ dành cho một nhóm nhỏ nên vô tình không biết rằng, đây là một trong những lĩnh vực giáo dục sáng tạo nhất. Bên cạnh đó, các phương pháp giảng dạy trong Giáo dục Đặc biệt có khá nhiều điểm tương đồng với những phương pháp trong nhiều lĩnh vực khác như Giảng dạy Song ngữ, ESL, các chương trình Năng khiếu và Tài năng. Phương pháp này cũng cực kỳ hữu ích khi giảng dạy trực tuyến, khi sự sáng tạo của chúng ta được thử thách với một giới hạn mới.

Trong Giáo dục Đặc biệt, giáo viên cần chú tâm đặc biệt đến động cơ dẫn đến hành vi học sinh. Điều đặc biệt quan trọng đối với hầu hết các giáo viên Giáo dục Đặc biệt, là thầy cô cần có một bức tranh toàn cảnh về học sinh, bao gồm mục tiêu cuộc sống, khả năng trưởng thành và phát triển thực tế, và bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến hành vi hoặc khả năng tham gia học tập của các em. Thầy nghĩ xuất phát điểm là ngành Giáo dục Đặc biệt này đã trở thành cốt lõi trong quá trình giảng dạy sau này của Thầy. Quan trọng nhất, dù là Giáo dục Đặc biệt, chương trình ESL hoặc bất kỳ chương trình giáo dục nào khác, chúng ta đều cần phải dạy học phân hóa, tức là: không ngừng cải tiến nội dung, quá trình, sản phẩm, môi trường hoặc các bài đánh giá để phù hợp nhu cầu của từng học sinh. Vì chúng ta hiểu rằng học sinh dù học cùng một chương trình, cùng lớp, hoặc thậm chí ở trong cùng gia đình cũng sẽ không giống nhau hoàn toàn, nên chúng ta luôn phải điều chỉnh nội dung giảng dạy linh hoạt trong từng tiết học.

Giáo viên còn có thể hướng dẫn học sinh thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người với nhau. Bởi con người sẽ trở nên vững vàng hơn khi chúng ta hiểu được đam mê, những thay đổi trong cảm xúc hoặc hành vi của chính bản thân mình. Tất nhiên, sự khác biệt vẫn chưa hoàn toàn được tôn trọng một cách cởi mở ở cả thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều chúng ta cần hiểu rằng, khác biệt không phải lúc nào cũng có nghĩa là “tốt hơn” hay “tệ hơn”.

Ở một lớp Hai mà Thầy phụ trách, có một cậu học trò thường đứng ngồi không yên trong các tiết học, ít khi giơ tay phát biểu và cũng hay gặp vấn đề tương tự ở những tiết học khác. Mỗi khi có cơ hội, Thầy luôn chỉ ra những điểm tốt mà bạn đã làm trong lớp, nhất là Tiếng Anh của bạn ấy cũng rất tốt. Bạn cũng đã cố gắng cải thiện thái độ qua từng năm và dần dần không còn “gây rối” nữa. Có đôi lúc chỉ vì quá phấn khích muốn tham gia vào hoạt động chung, bạn lại hay quên giơ tay phát biểu. Tất nhiên Thầy sẽ không bao giờ phạt một học sinh đang cố gắng tham gia xây dựng bài, mà sẽ hướng dẫn cho bạn cách tham gia một cách phù hợp hơn. Đôi lúc, Thầy cũng “giả vờ” gợi ý cho bạn rằng, “Ồ, phải chi có một cánh tay xung phong trả lời nhỉ?” và bạn ấy bắt đầu giơ tay. Thầy cũng giải thích rõ ràng với học sinh rằng việc ngắt lời bạn bè trong lớp là bất lịch sự và có thể làm phiền mọi người. Từ đó, cậu học trò ấy dần trở nên biết quan tâm đến người xung quanh hơn, vui vẻ hơn, và còn đạt điểm tốt hơn nữa.

Cuối năm học, Thầy đã có cơ hội gặp mẹ của cậu học trò ấy và biết rằng bạn mắc chứng ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý). Mẹ chia sẻ rằng bạn ấy rất thích học với Thầy, và điều đó làm gia đình rất phấn khởi khi tâm trạng của con tốt hơn sau mỗi ngày đi học về. Thay vì cố gắng chẩn đoán khiếm khuyết của học sinh, giáo viên vẫn có thể quan sát và đáp ứng những nhu cầu của các em. Trong trường hợp này, Thầy đã làm điều mà Thầy vẫn thường áp dụng với những học sinh khác: Cho các em cơ hội khám phá và sai sót, đồng thời hướng dẫn và khuyến khích các em tự quyết định mà không phán xét hay chế giễu khi học sinh mắc lỗi. Bởi ngay cả người lớn chúng ta đôi khi vẫn mắc sai lầm và chúng ta cần phải trung thực với trẻ con, và dạy các con cách tự chịu trách nhiệm khi phạm lỗi.

3. Để học sinh tự học hỏi từ những sai lầm

Chúng ta học tập hiệu quả nhất từ việc chiêm nghiệm những lỗi sai của mình. Tất nhiên chúng ta không thể suy ngẫm về những sai lầm mà chúng ta chưa từng mắc phải. Nếu một học sinh có thể trả lời ngay câu hỏi của Thầy đặt ra mà không cần suy nghĩ, bản thân Thầy không chắc rằng em có thật sự hiểu vấn đề hay không. Câu hỏi cũng sẽ không có nhiều tác dụng nếu học sinh biết sẵn câu trả lời. Chúng ta cần đặt những câu hỏi có tính gợi mở suy nghĩ và dạy học sinh cách tìm lời giải với những vấn đề nhiều thử thách hơn. Ở ngoài lớp học, thất bại, thất vọng và bối rối là những điều mà ai trong chúng ta cũng sẽ phải trải qua. Học sinh cần có cơ hội trải nghiệm những cảm xúc đó để chuẩn bị vững vàng trước khi va chạm với cuộc sống.

Khi đặt câu hỏi cho học sinh, với cương vị giáo viên, chúng ta phải làm quen với việc chứng kiến học sinh trải qua khó khăn và thất bại trước khi đi đến thành công. Nếu học sinh chỉ trả lời được những câu hỏi nhất định theo một cách diễn đạt cụ thể, hay phải chờ gợi ý chữ đầu tiên từ giáo viên, thì các em sẽ khó có thể sử dụng được ngôn ngữ đó bên ngoài lớp học. Chỉ sau khi học sinh có thể làm một việc gì đó một cách độc lập, không cần sự nhắc nhở, thì đó mới được coi là thấm nhuần kỹ năng.

Ngoài ra, trong cuộc sống có rất ít vấn đề dễ dàng được giải quyết chỉ qua việc ghi nhớ từ sách giáo khoa hoặc sách hướng dẫn. Ghi nhớ - đặc biệt thông qua các công cụ như mẹo nhớ, có một vai trò vô cùng quan trọng trong lớp học. Tuy nhiên, ghi nhớ không giống như sự lĩnh hội, và không phải cứ nhớ nhiều thì sẽ làm tốt trong những tình huống bất ngờ. Giáo viên luôn cần lưu ý rằng chúng ta không chỉ chuẩn bị cho cho học sinh vượt qua các bài kiểm tra chuẩn hóa, mà quan trọng hơn là biết cách chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, và trở thành những con người hữu ích trong cộng đồng. Không dễ để đoán trước được tương lại, nhưng hơn bao giờ hết, thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng. Học sinh phải rèn luyện tư duy cho bản thân vì không phải lúc nào các em cũng có giáo viên hoặc cha mẹ kề bên để hướng dẫn cách phản ứng phù hợp.

4. Tôn trọng sự khác biệt trong mỗi đứa trẻ.

Chúng ta thường cảm nhận rằng sẽ thật dễ dàng nếu nhìn nhận học sinh ở khía cạnh tập thể. Nhưng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều khi chúng ta có thể đồng thời xem mỗi em như những cá thể khác biệt có hướng đi riêng trong cuộc sống. Thầy hoàn toàn không đồng tình với suy nghĩ rằng chúng ta phải lựa chọn giữa việc xem học sinh là cá thể khác biệt hay là một phần của tập thể. Vì chúng ta có thể cân bằng cả hai để mang đến lợi ích chung. Như câu chuyện về cậu bạn đã từng hơi “gây rối” ở trên, bây giờ không chỉ riêng bạn ấy trưởng thành hơn, mà những bạn khác trong lớp cũng vậy. Trước đây các bạn đã từng cư xử chưa đúng mực với cậu bạn. Mặc dù Thầy không hiểu được hết những cuộc trò chuyện giữa các em trước khi đến lớp, hoặc trong giờ giải lao, nhưng Thầy có thể thấy biểu hiện trên khuôn mặt của các em. Nhưng dần dần trong giờ học, học sinh bắt đầu bắt chước cách hành xử của Thầy. Bây giờ thay vì tỏ ra khó chịu khi bạn chen ngang lời phát biểu của mình, các bạn đã nhắc nhở bạn giơ tay lịch sự hơn.

Sẽ không có câu trả lời hoàn hảo nào cho cả giáo viên và học sinh trong hầu hết các tình huống trong cuộc sống. Nếu chúng ta cho rằng tất cả các học sinh đều giống nhau thì chúng ta đang bỏ qua những điểm mạnh riêng có thể giúp các em tự tin hơn và phát huy chúng. Tệ hơn, nếu chúng ta bỏ qua những điểm yếu và sẽ tước đi cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân của các em thông qua giáo dục.

Tạm kết

Cuối cùng, giống như hầu hết các câu hỏi mở, có nhiều cách để trả lời về mục đích của giáo dục và những đổi mới giáo dục sẽ không thể xảy ra nếu chúng ta - với cương vị là giáo viên, không sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chúng ta phải nhớ rằng, bây giờ đây trong khi đang chuẩn bị bài học hôm nay cho học sinh, bài kiểm tra tuần này, hay bài kiểm tra IELTS tháng tới thì chúng ta đang làm nhiều hơn thế. Mỗi ngày, chúng ta đang chuẩn bị hành trang cho cuộc đời của các em.

Tin tức và sự kiện nổi bật