Cẩm nang học tập - UTS
Cẩm nang học tập
THƯ NGỎ

Chào mừng các em học sinh UTS bước vào năm học mới 2023 – 2024 – với thật nhiều hy vọng và hào hứng. Khi bắt đầu năm học, các em có thể cần một khoảng thời gian để cân bằng nhịp độ học tập và sinh hoạt tại trường. Đặc biệt với những học sinh mới, các em có thể gặp những khó khăn nhất định do môi trường và điều kiện học tập thay đổi. Vì vậy, để có một năm học thật trọn vẹn, hãy chuẩn bị chu đáo và cẩn thận cho một khởi đầu thật tôt nhất .

Các em có thể làm mới góc học tập của mình, nơi tạo nguồn cảm hứng và khơi dậy niềm yêu thích học tập. Có thể trang bị những đồ dùng học tập mới như cặp sách, đồng phục mới, một đôi giày mới… để thêm phần hào hứng và tự tin. Đặc biệt, chúng ta cũng cần đề ra một mục tiêu rõ ràng trong năm học mới này, để tiếp thêm động lực cho bản thân phấn đấu và nỗ lực đạt được mục tiêu đó. Nhằm giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho năm học, trang CẨM NANG HỌC TẬP được xây dựng bao gồm những thông tin và hướng dẫn về mặt học thuật cùng một số kỹ năng học tập hiệu quả. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp các em hiện thực hóa những mục tiêu học tập và phát triển bản thân, đồng thời trải nghiệm năm học 2023 – 2024 một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất.

6 GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Kim chỉ nam định hướng suy nghĩ và hành động của mỗi học sinh UTS:

CHÍNH TRỰC: Học sinh UTS biết giữ chữ tín, luôn đề cao sự thật, nói không với các hành vi dối trá, sai trái trong xã hội.

TÔN TRỌNG: Học sinh UTS tôn trọng bản thân và mọi người. Học sinh cần hiểu biết, tôn trọng mọi nền văn hóa và vẫn giữ được bản sắc dân tộc, bản sắc cá nhân.

BẢN LĨNH: Học sinh có tinh thần chinh phục với mọi thử thách, mạnh dạn thể hiện quan điểm cá nhân với vốn ngoại ngữ vững chắc.

CỐNG HIẾN: Học sinh vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học để giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

HỌC TẬP SUỐT ĐỜI: Học sinh UTS không ngừng khám phá, học hỏi kiến thức từ môi trường xung quanh và áp dụng vào thực tiễn đời sống.

SÁNG TẠO: Học sinh UTS có tinh thần đổi mới, sáng tạo, biết phát triển và vận dụng những ý tưởng mới.

CHUẨN MỰC VÀ HÀNH VI ỨNG XỬ

CHUYÊN CẦN VÀ ĐÚNG GIỜ

Nhà trường tin rằng việc đúng giờ rất quan trọng, bao gồm cả việc đi học đầy đủ và tham gia đúng giờ các hoạt động khác như họp, trao đổi, dã ngoại, hoạt động… Điều này không chỉ đảm bảo việc cập nhật kịp thời các kiến thức hàng ngày, mà còn giúp học sinh ý thức được rằng việc tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Nhà trường chính là sự tôn trọng mà học sinh dành cho thầy cô và các bạn, góp phần rèn luyện tính kỷ luật của cho học sinh.

TRANG PHỤC

Đồng phục được thiết kế nhằm mục đích thể hiện bản sắc cũng như niềm tự hào của Nhà trường. Ngoài ra, đồng phục hướng đến mục tiêu duy trì sự bình đẳng và hòa đồng giữa các học sinh. Vì thế, học sinh của UTS cần phải mặc đồng phục trong khuôn viên Nhà trường, từ nhà đến trường và từ trường về nhà, khi tham gia các chương trình của Nhà trường và khi tham gia các chuyến học tập trải nghiệm do Nhà trường tổ chức.

Các phụ kiện, trang sức, kiểu tóc, trang điểm, trang phục tự chọn trong các hoạt động khác phải phù hợp với văn hoá học đường và văn hoá người Việt Nam.

LỊCH SỰ VÀ TÔN TRỌNG

Tại cộng đồng UTS, tất cả thành viên đều cần được đối xử với thái độ tôn trọng. Học sinh cần hiểu và có những cư xử đúng mực với bất kể ai và tôn trọng sự khác biệt. Những hành vi đẹp, thể hiện sự tôn trọng với bản thân và cộng đồng bao gồm nhưng không giới hạn bởi: chào hỏi, nói đúng âm lượng, sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, giữ vệ sinh chung, nói sự thật, làm điều đúng đắn, nói lời cảm ơn, xin lỗi…

Nói tục được coi là ngôn ngữ không phù hợp với môi trường học tập. Việc vô lễ với giáo viên, nhân viên trong trường bị coi là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, đi ngược lại các giá trị của Nhà trường và sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

AN TOÀN

An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu tại UTS. Vấn đề an toàn bao gồm cả cơ thể, tài sản và cảm xúc của từng cá nhân và cộng đồng xung quanh, trong mọi hoạt động học tập và sinh hoạt tại trường. Học sinh UTS cần ghi nhớ rằng không ai có quyền làm tổn thương người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Các em cũng cần nhận biết và bảo vệ sự an toàn của bản thân và những người xung quanh, biết lên tiếng khi cần thiết và nói không với các hành vi bắt nạt học đường.

NHỮNG ĐIỀU CẦN CHUẨN BỊ KHI BƯỚC VÀO NĂM HỌC MỚI

1. TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC CÁC CẤP LỚP

CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC

Chương trình Tiểu học UTS mang đến mô hình chuẩn hóa mỗi giá trị thành các HOẠT ĐỘNG mang tính chất RÈN LUYỆN. Điều này giúp các em được đào tạo để thành người có ích và sống trách nhiệm, đến trường với nhiều niềm vui và được khơi dậy những năng lực tốt nhất trong mỗi cá nhân.

UTS tích hợp có chọn lọc các chương trình vào nội dung giảng dạy chất lượng hàng đầu cho bậc Tiểu học, bao gồm: Chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam – được tối ưu hóa; Chương trình tiếng Anh nhằm trang bị ngôn ngữ toàn cầu; Chương trình phát triển tài năng giúp đẩy mạnh bồi dưỡng kỹ năng và phát triển phẩm chất qua các môn học như: Giáo dục Kỹ năng sống, STEM, ICT, Học để đọc, Học tập trải nghiệm…

CHƯƠNG TRÌNH TRUNG HỌC CƠ SỞ

Chương trình THCS được xây dựng với mục tiêu giúp mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển khả năng vượt trội của bản thân. Chương trình học đảm bảo trang bị kiến thức của các môn học nền tảng như: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Hóa học, Vật lí… đồng thời phát triển năng lực tiếng Anh qua Chương trình Tiếng Anh với 2 hệ: Chương trình tiếng Anh theo chuẩn Common Core và Chương trình tiếng Anh Oxford (OIC).

Trong từng tiết học của tất cả các môn học, UTS cũng thực hiện dạy học phân hóa đa dạng trên ba nền tảng phân hóa chủ yếu là phân hóa dựa trên năng lực, dựa trên sự đa dạng về các loại hình trí thông minh và đa dạng về các loại hình phong cách học tập.

Ngoài các môn học cơ bản được xây dựng với những phương pháp học tiến bộ, học sinh UTS còn được học thêm các môn định hướng thể chất, kỹ năng, cảm xúc như Giáo dục Kỹ năng sống SEL – P21, Học để đọc, STEM, Tin học MOS… Các chương trình học tập bổ trợ trên có mục đích rèn luyện hệ thống kỹ năng thế kỉ 21, tạo nền tảng cho khả năng học tập suốt đời.

CHƯƠNG TRÌNH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Chương trình THPT theo định hướng chuyên biệt theo năng lực, tăng cường số tiết học phù hợp; bổ sung chương trình chuyên sâu ở các bộ môn thế mạnh với từng học sinh; tăng cường hoạt động tập thể, trải nghiệm thực tế, gắn lý thuyết với thực hành, giúp học sinh trở thành một người vừa có kiến thức, vừa có kĩ năng, đáp ứng được sự thay đổi và phát triển của xã hội.

Chương trình học được thiết kế nhằm đưa việc học trở thành trách nhiệm cá nhân của từng học sinh. Mỗi học sinh hiểu được ý nghĩa của việc trang bị kiến thức, được bồi dưỡng phương pháp tự học và giải quyết vấn đề, có khả năng chủ động tìm hiểu thông tin từ các nguồn khác nhau.

Chương trình giáo dục đột phá để 100% học sinh đạt mục tiêu vào trường đại học đã lựa chọn với hành trình giáo dục chuyên biệt theo khối thi đại học được kéo dài từ kỳ II Lớp 11 cho đến hết Lớp 12 nhằm đảm bảo lượng kiến thức chuyên sâu và kỹ năng vững chắc cho các em.

Chương trình tiếng Anh cho bậc THPT tập trung vào kiến thức và kỹ năng cần thiết để chinh phục các chứng chỉ như IELTS và SAT. Đặc biệt, môn tiếng Anh (ESL) được giảng dạy theo hướng tiếng Anh học thuật, chuẩn bị hành trang cho học sinh cho những môi trường học tập tiên tiến ở bậc đại học.

Học sinh THPT được giáo dục hướng nghiệp từ Lớp 9, thực hiện nhiều dự án hướng nghiệp và dự án xã hội nhằm phát triển nhận thức sâu sắc về khả năng và đam mê của bản thân, hiểu biết về xu hướng nghề nghiệp và phát triển các năng lực thực tế. Nhà trường còn chú trọng giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống với những giờ học như tích hợp môn Kỹ năng sống SEL – P21, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất…

2. CHUẨN BỊ KIẾN THỨC – KỸ NĂNG CHO NĂM HỌC MỚI

CHỦ ĐỘNG CHUẨN BỊ SỚM KIẾN THỨC

Độ khó của kiến thức sẽ tăng dần theo từng năm học, nên việc chủ động chuẩn bị sớm kiến thức là vô cùng cần thiết. Chuẩn bị sớm kiến thức của khối lớp mới sẽ giúp các em tự tin hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng của thầy cô trên lớp, đồng thời không bị choáng ngợp trước khối lượng kiến thức đồ sộ và mới lạ của các lớp trên. Bên cạnh đó, học sinh cũng nên tìm kiếm phương pháp học tập phù hợp và cách vận dụng linh hoạt để hỗ trợ tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất. Các em nên chuẩn bị trước bộ sách giáo khoa để xem qua những kiến thức mình sẽ được học.

Đồng thời, các em cũng nên dành thời gian xem lại những kiến thức cũ đã học ở năm trước, tạo tiền đề để nắm bắt tốt hơn những kiến thức mới. Nếu có thể, các em hãy học nhóm để cùng giúp đỡ và khắc phục những kiến thức mà bản thân còn thiếu sót.

XÂY DỰNG THỜI GIAN BIỂU HOẶC KẾ HOẠCH HỌC TẬP

Lập ra một thời gian biểu hay một kế hoạch học tập khoa học, hiệu quả là điều rất cần thiết cho học sinh. Để việc học đạt hiệu quả, các em nên lập kế hoạch học tập cụ thể theo từng ngày hoặc từng tuần, cùng với mục tiêu học tập mà bản thân mong muốn đạt được trong thời gian đó. Các em cũng nên rà soát lại chương trình năm học vừa qua để nhận ra những phần kiến thức còn yếu và dành thời gian ôn luyện thêm.

Sai lầm mà phần lớn học sinh đều mắc phải khi xây dựng thời gian biểu là dành quá nhiều thời gian để học kiến thức mới mà quên việc ôn lại kiến thức cũ. Hãy cố gắng cân đối giữa việc ôn tập kiến thức cũ và bổ sung kiến thức mới. Học sinh có thể học theo nhóm để giúp nhau lấp đầy những lỗ hổng kiến thức.

CHUẨN BỊ CHO NHỮNG KỲ THI ĐÁNH GIÁ

Đối với các em học sinh, ngoài việc tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới, các kỳ thi cũng là một phần quan trọng, đặc biệt là với học sinh cuối cấp (Lớp 5, Lớp 9, Lớp 12) với kỳ thi chuyển cấp mang tính quyết định. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng và đặt nặng nhiều áp lực. Các em có thể chuẩn bị vốn kiến thức cho những kỳ thi này ngay trước năm học mới bằng cách hệ thống hóa kiến thức trọng tâm của những năm học trước. Vì kiến thức các năm đều được xây dựng theo sơ đồ hình cây, tức một phần kiến thức mới đó đều có mối liên hệ mật thiết với kiến thức nền tảng của lớp dưới, nên việc hệ thống hóa này giúp các em tiếp thu dễ dàng kiến thức mới. Các em có thể sắp xếp kiến thức theo sơ đồ, hoặc móc nối các phần có liên quan để dễ ghi nhớ hơn.

SẴN SÀNG TÂM THẾ CHO PHƯƠNG ÁN HỌC TẬP TRỰC TUYẾN

Trải qua dịch bệnh Covid-19, việc học tập trực tuyến trở thành một phương pháp bắt buộc giúp duy trì quá trình học tập của học sinh. Nhà trường thấu hiểu rằng việc học tập trực tuyến phần nào mang nhiều bất tiện. Tuy nhiên trong những trường hợp bất khả kháng, việc chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để thích nghi cho mọi phương án học tập sẽ giúp các em chủ động và học tập hiệu quả hơn.

Học tập trực tuyến có lẽ không còn quá xa lạ với các bạn học sinh. Mặc dù việc học tập trung tại trường chắc chắn sẽ vui và gắn kết hơn, nhưng hãy lạc quan và suy nghĩ tích cực rằng: việc học tập trực tuyến phần nào sẽ giúp các em trang bị được kỹ năng thích nghi trước thế giới không ngừng thay đổi. Nhà trường cũng đảm bảo rằng trong mọi tình huống, thầy cô vẫn luôn nỗ lực truyền đạt kiến thức một cách đầy đủ nhất và mang đến những hoạt động học tập thú vị cho các em học sinh. Nếu trong trường học phải học trực tuyến, việc thực hiện học tập nghiêm túc và đầy đủ cũng là một cách thể hiện sự đóng góp của bản thân trong công tác phòng chống dịch của Chính phủ cũng như các cơ quan chuyên trách.

3. NHỮNG THÓI QUEN GIÚP HỌC TẬP HIỆU QUẢ

TỰ CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI BẢN THÂN VÀ HỌC TẬP

Trách nhiệm là thái độ và ý thức trước những công việc phải làm, luôn chủ động trong mọi hoàn cảnh. Để học tập hiệu quả, các em cần xác định rõ những ưu tiên, thời gian, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Các em luôn giữ thái độ tự tin và sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm về những việc mình làm, cam kết hoàn thành những mục tiêu của bản thân trong học tập.

VIỆC HÔM NAY CHỚ ĐỂ NGÀY MAI

Hãy xác định nhiệm vụ học tập, sắp xếp những công việc hàng ngày, hàng tuần một cách hợp lý để mọi việc được thực hiện đầy đủ, có hiệu quả, có chất lượng.

Trong vòng 01 ngày sau khi kết thúc buổi học, các em nên dành thời gian xem xét và hoàn chỉnh phần ghi chép của mình;

Hãy thường xuyên xem lại các ghi chép của mình;

Sắp xếp thời gian tự học và chủ động hoàn thành các bài tập được giao.

KHÁM PHÁ THỜI ĐIỂM VÀ KHÔNG GIAN HỌC TẬP HIỆU QUẢ NHẤT CỦA BẢN THÂN

Quản lý thời gian là kỹ năng lên kế hoạch và tổ chức thời gian cho từng hoạt động cụ thể, chi tiết từng bước cho đến khi hoàn thành mục tiêu đề ra. Sáng, chiều, tối: khi nào là khoảng thời gian các em có thể tập trung nhất và học tập hiệu quả nhất? Hãy dành khoảng thời gian này để làm việc khó nhất.

Hãy liệt kê và xếp hạng ưu tiên nhiệm vụ theo ngày, theo tuần và ước lượng thời gian cần để hoàn thành, từ đó lên kế hoạch và bám sát để thực hiện.

ĐẶT RA NHỮNG THỬ THÁCH CHO BẢN THÂN

Những thử thách mới và những hoạt động mới sẽ khiến bộ não được kích hoạt và tạo ra nhiều hứng khởi. Các em hãy thường xuyên tìm tòi và đặt ra cho mình những thử thách ở các lĩnh vực mới mà mình yêu thích như: học một ngoại ngữ mới, đọc một quyển sách mới, thử diễn thuyết trước đám đông, tham gia phản biện… Điều này vừa giúp làm đa dạng vốn kiến thức, vừa giúp quá trình tự học thêm phần hiệu quả.

NHỮNG THÓI QUEN GIÚP GHI NHỚ TỐT

Sắp xếp sách vở, tài liệu trong cặp sách một cách khoa học.

Nên có sổ tay hoặc giấy ghi chú danh sách những bài học, công việc cần làm.

Cùng bạn bè hoặc người thân xem qua những bài tập, bài học đã làm.

Học cách ghi chú dưới dạng hình ảnh như sơ đồ tư duy, biểu đồ, minh họa…

Ghi chú những câu hỏi, những ý quan trọng hoặc minh họa ở bên lề cuốn sách nếu cần thiết.

TRƯỚC KHI ĐẾN LỚP

Hoàn thành bài tập về nhà.

Xem qua vở ghi chép của buổi học trước.

Tập trung và sẵn sàng cho buổi học mới. Các em có thể ngồi tập trung ở nơi yên tĩnh khoảng 15 phút để nhớ lại các kiến thức, suy luận trong bài giảng.

Viết ra giấy những ý tưởng vào một cuốn sổ riêng. Những ý tưởng có thể là: chuẩn bị cho bài giảng mới, bài kiểm tra mới, một khái niệm nào đó trong bài, ý tưởng về chủ đề nào đó…

TRONG LỚP HỌC

Tập thói quen giơ tay xin phát biểu.

Có thể viết câu hỏi hoặc nhận xét của bản thân ra giấy trước khi phát biểu.

Lắng nghe và ghi chép cẩn thận.

Không ngần ngại hỏi ý kiến nếu thắc mắc về một vấn đề trong sách hoặc trong bài giảng (nhưng nên đợi vào lúc thầy/cô giảng bài xong).

Tích cực tham gia xây dựng bài.

Làm theo hướng dẫn của giáo viên.

KHI VỀ NHÀ

Sắp xếp một không gian học tập thích hợp nhất, đảm bảo đủ điều kiện về bàn ghế, ánh sáng và môi trường xung quanh.

Khi học bài, tắt điện thoại và tránh các tiếng ồn khác.

Tạo một thời gian học cố định và duy trì thói quen.

Khi chuẩn bị ngồi vào bàn học, hãy dành chút thời gian chuẩn bị những dụng cụ học tập và tài liệu, sách vở cần thiết, cũng như đề ra một mục tiêu để hoàn thành trong thời gian nhất đinh.

Để đỡ nhàm chán, các em có thể thay đổi môn học sau một đến hai tiếng đồng hồ.

Luôn có những khoảng thời gian nghỉ giải lao ngắn để thư giãn.

4. DỤNG CỤ HỌC TẬP

Những dụng cụ học tập cần thiết để hỗ trợ việc học tập hiệu quả:

CẤP TIỂU HỌC

STT  ĐỒ DÙNG HỌC TẬP  LỚP 
1  Sách giáo khoa và Vở bài tập   1 – 5 
2  Sách giáo khoa và sách bài tập Tiếng Anh  1 – 5 
3  Từ điển dành cho học sinh Tiểu học  4 
4  Cặp hoặc Ba lô  1 – 5 
5  Bóp đựng viết   1 – 5 
6  Vở ô ly (4 ô ly)  1 – 5 
7  Bảng con (màu trắng, loại 4 ô li)  1 – 2 
8  Bảng nhóm nhỏ (màu trắng) 30*40 cm  3 – 5 
9  Bút lông viết bảng loại nhỏ (màu xanh)  1 – 5 
10  Xốp lau bảng  1 – 5 
11  Bút chì 2B (đầu bút không có gôm)  1 – 5 
12  Chuốt bút chì (dạng có nắp)  1 – 5 
13  Cục tẩy (màu trắng, hãng pentel)  1 – 5 
14  Keo khô  1 – 5 
15  Thước dài 15cm  1 – 3 
16  Thước dài 20cm  4 – 5 
17  Thước eke (bộ)  4 – 5 
18  Bìa sơ mi màu trắng có nút  1 – 5 
19  Kéo loại đầu tròn  1 – 5 
20  Bút lông kim mực tím  1 – 5 
21  Màu sáp  1 – 5 
22  Bộ thực hành Toán, Tiếng Việt  1 
23  Bộ thực hành Toán   2 
24  Bộ lắp ghép mô hình kĩ thuật  4 
25  Tập vẽ A4  1 – 5 
26  Bìa nhựa lá Thiên Long/Portfolio 2 – 5 

CẤP TRUNG HỌC

STT  DỤNG CỤ HỌC TẬP  LỚP 
1  Sách giáo khoa 6-12
2  Atlat Địa lí Việt Nam 8-9
3  Vở ghi bài 6-12
4  Vở vẽ A4 6-12
5  Cặp hoặc ba lô 6-12
6  Bóp đựng viết 6-12
7  Máy tính cầm tay 6-12
8  Bút chì 2B 6-12
9  Bút mực 6-12
10  Bút dạ quang 6-12
11  Màu sáp dầu 6-12
12  Cục tẩy 6-12
13  Chuốt bút chì 6-12
14  Thước ê ke 6-12
15  Thước thẳng 6-12
16  Thước đo độ 6-12
17  Compa 6-12
18  Bìa sơ mi màu trắng có nút 6-12
19  Bình nước cá nhân 6-12
20  Túi ngủ (Không bắt buộc) 6-12
21  Bàn chải răng, kem đánh răng (Không bắt buộc) 6-12

NỀN TẢNG HỌC TẬP

NỀN TẢNG HỌC TẬP TÍCH HỢP MANAGEBAC

ManageBac là nền tảng học tập tích hợp tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng bởi các trường giảng dạy chương trình Tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate) nhằm mục đích tăng tương tác giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh, quản lý, theo dõi một cách hiệu quả hoạt động học tập trên lớp cũng như thông báo từ Nhà trường. Phụ huynh và học sinh sẽ được cung cấp một tài khoản ManageBac để có thể dễ dàng liên lạc trực tiếp với giáo viên cũng như có thể truy cập để xem bài tập, bài kiểm tra và tiến độ học tập của con em mình tại các thời điểm khác nhau.

Tại UTS, học sinh sẽ sử dụng ManageBac cho các mục đích sau:

  • Kiểm tra thời khóa biểu mỗi học kỳ.
  • Nhận thông báo từ Ban Giám hiệu và giáo viên, tương tác với giáo viên và các bạn cùng lớp.
  • Kiểm tra lại tóm tắt nội dung của các bài đã học trên lớp cũng như xem trước các bài học tiếp theo.
  • Làm bài tập và nộp bài tập.
  • Tra cứu tài nguyên, tài liệu đọc thêm của mỗi bài (nếu có).
  • Tra cứu bảng điểm.
  • Lưu trữ sản phẩm học tập của bản thân trong quá trình học tập tại trường.

Những lưu ý khi sử dụng ManageBac: 

  • Giáo viên và các bạn trong lớp sẽ nhận được các tin nhắn học sinh gửi qua ManageBac, học sinh chú ý sử dụng ngôn ngữ và văn phong giao tiếp lịch sự, thể hiện sự tôn trọng. 
  • ManageBac lưu trữ nhiều thông tin cá nhân và bảng điểm, học sinh lưu ý bảo mật địa chỉ email và mật khẩu, nên thay đổi mật khẩu sau lần đăng nhập đầu tiên.
  • Học sinh có thể gửi tin nhắn riêng cho giáo viên. Để sử dụng tính năng này, hãy chọn “Private Message” khi gửi tin nhắn.
  • Tại mỗi tin nhắn được đăng tải, Học sinh có thể thêm tương tác bằng cách nhấn vào biểu tượng “+”.

Phụ huynh và học sinh xem hướng dẫn sử dụng ManageBac TẠI ĐÂY.

NỀN TẢNG HỌC TẬP TRỰC TUYẾN MICROSOFT TEAMS 

Microsoft Teams là nền tảng học tập trực tuyến để hỗ trợ học sinh trong điều kiện học tập không tập trung hoặc học tập tại nhà. Mỗi học sinh UTS được cấp 01 tài khoản Microsoft Teams để dễ dàng kết nối và tham gia các lớp học trực tuyến.

Hướng dẫn sử dụng nền tảng Microsoft Teams 

HƯỚNG DẪN HỌC TẬP TRỰC TUYẾN

CHUẨN BỊ THIẾT BỊ VÀ KHÔNG GIAN

Các thiết bị bắt buộc khi tham gia học tập trực tuyến bao gồm: máy tính (để bàn hoặc xách tay), camera, microphone, và đường truyền internet ổn định.

Không gian học tập cần yên tĩnh, không có âm thanh nền như tiếng tivi, nói chuyện, nhạc,…

QUY ĐỊNH KHI THAM GIA LỚP HỌC TRỰC TUYẾN

Luôn để camera ở chế độ mở và chỉ được tắt với sự cho phép của giáo viên.

Luôn luôn tắt microphone khi giáo viên đang giảng bài và chỉ mở khi được yêu cầu.

Trong suốt quá trình học, nếu có bất kỳ câu hỏi nào, học sinh gửi tin nhắn vào nhóm lớp. Giáo viên sẽ giải đáp sau đó.

Hãy nhớ rằng tiết học sẽ được ghi âm và thu hình lại (bao gồm cả lời nói và tin nhắn công khai trên nhóm). Do đó, học sinh luôn giữ thái độ lịch sự và tôn trọng giáo viên cũng như những bạn học cùng lớp trong quá trình học.

CÁC YÊU CẦU DÀNH CHO HỌC SINH KHI THAM GIA LỚP HỌC TRỰC TUYẾN

Bảo mật tài khoản, trong trường hợp nghi ngờ mất tài khoản phải báo ngay với Nhà trường (thông qua GVCN hoặc Văn phòng Dịch vụ trường học…).

Thực hiện đúng thời khóa biểu được cập nhật thông qua GVCN.

Hoàn tất đăng nhập trước 2-5 phút trước khi bắt đầu bài học.

Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập, xem trước tài liệu được gửi (nếu có) trước giờ học.

Mặc trang phục lịch sự, ngồi học ngay ngắn, tập trung.

Không sử dụng các ứng dụng khác ngoài yêu cầu của giáo viên trong thời gian học.

Kết thúc giờ học, thực hiện “Đăng xuất” hoàn toàn khỏi chương trình.

Thông báo ngay với giáo viên khi cảm thấy không an toàn trong thời gian học.

Trong một số trường hợp cần thiết, học sinh phải đến lớp gặp trực tiếp giáo viên phụ trách, khi được yêu cầu.

QUY ĐỊNH SỬ DỤNG THIẾT BỊ CÁ NHÂN CÓ KẾT NỐI

MỤC ĐÍCH

UTS ứng dụng công nghệ trong giảng dạy như một trong những phương thức nhằm nâng cao mục tiêu đào tạo của Nhà trường, giúp học sinh trang bị những kỹ năng, kiến thức và hành vi ứng xử cần thiết để trở thành công dân thế kỷ 21 có trách nhiệm. Để có thể tích hợp hiệu quả hơn các kỹ năng của thế kỷ 21 bao gồm hợp tác, giao tiếp, sáng tạo và tư duy phản biện trong các trải nghiệm học tập của học sinh, UTS tạo điều kiện cho các em kết nối với hệ thống mạng không dây của trường và cho phép các em sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân để truy cập trực tuyến trong khuôn viên trường.

Học sinh cần phải cam kết việc truy cập sử dụng trang thiết bị điện tử, cho dù là máy vi tính của trường hoặc thiết bị điện tử cá nhân một cách có trách nhiệm. Học sinh cũng cần phải hiểu rằng việc lạm dụng các quyền lợi nói trên có thể dẫn đến việc bị tước đi quyền lợi. Học sinh cần sử dụng thiết bị cá nhân có kết nối mạng một cách có trách nhiệm. “Có trách nhiệm” có nghĩa là học sinh sử dụng các thiết bị này:

  • Nhằm hỗ trợ hoạt động học tập theo hướng dẫn của giáo viên.
  • Theo cách thức tôn trọng giá trị của những học sinh khác và phù hợp với giá trị cốt lõi của trường (ví dụ như học sinh không được bắt nạt trực tuyến, đăng tải và chia sẻ tài liệu cá nhân và hình ảnh của những học sinh khác).
  • Tiếp cận những nội dung phù hợp độ tuổi.
  • Truy cập các tài liệu và xác nhận / trích dẫn nguồn tham khảo phù hợp.
  • Trong năm học, trường có thể phải hiệu chỉnh các điều khoản trong quy định. Trường sẽ gửi thông báo bằng văn bản đến phụ huynh về những hiệu chỉnh này trong vòng 30 ngày trước ngày những hiệu chỉnh này có hiệu lực.

LOẠI HÌNH THIẾT BỊ

Để thể hiện đúng mục đích của quy định này, cụm từ “thiết bị cá nhân có kết nối mạng” trong văn bản này sẽ bao gồm nhưng không giới hạn máy tính xách tay, máy tính xách tay mini, điện thoại thông minh và máy tính bảng.

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Phụ huynh được yêu cầu đăng ký với Văn phòng trường danh sách các thiết bị cá nhân có kết nối mạng học sinh sở hữu đầu năm học và cập nhật mỗi khi có thay đổi.

Bắt đầu mỗi ngày học, học sinh cần đăng ký lưu trữ thiết bị cá nhân có kết nối mạng tại lớp để bảo quản thiết bị. Các thiết bị cá nhân có kết nối mạng sẽ được Giáo viên bàn trả sau giờ lưu trữ. Chi tiết giờ đăng ký lưu trữ thiết bị cá nhân có kết nối mạng như sau:

  • 07:45 – 16:45 thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần
  • 07:45 – 15:30 thứ Sáu hằng tuần

QUY ĐỊNH KHÁC

Học sinh không được phép tự ý sử dụng thiết bị cá nhân có kết nối mạng trong lớp học trừ khi có sự hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên dành cho một hoạt động học tập cụ thể.

Học sinh phải được sự cho phép của giáo viên trước khi sử dụng thiết bị cá nhân có kết nối mạng trong các hoạt động học tập của lớp.

Học sinh chỉ được sử dụng thiết bị cá nhân có kết nối mạng với mục đích phục vụ cho hoạt động học tập trong giờ học.

Học sinh phải ngưng việc sử dụng, tắt và cất ngay thiết bị cá nhân có kết nối mạng khi được giáo viên yêu cầu.

Học sinh nên nhận thức việc sử dụng thiết bị cá nhân có kết nối mạng tại lớp có thể là nguyên nhân gây mất tập trung cho các bạn cùng lớp, đặc biệt khi thiết bị phát ra âm thanh. Trong những trường hợp này, học sinh cần sử dụng tai nghe theo sự hướng dẫn của giáo viên.

TRÁCH NHIỆM CỦA HỌC SINH ĐỐI VỚI THIẾT BỊ CÁ NHÂN

UTS không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ tài sản cá nhân được mang đến trường, bao gồm các thiết bị cá nhân có kết nối mạng không đăng ký và/hoặc ngoài giờ lưu trữ thiết bị cá nhân có kết nối mạng, không thuộc quyền quản lý của UTS.

Học sinh nên có những biện pháp thích hợp để bảo vệ, quản lý thiết bị cá nhân có kết nối mạng khỏi sự hư hỏng hay mất mát.

Học sinh nên dùng các biện pháp ngăn ngừa sau đây nhằm bảo quản tài sản:

  • Học sinh KHÔNG BAO GIỜ để thiết bị cá nhân có kết nối mạng ngoài tầm kiểm soát vào bất kỳ lúc nào;
  • Thiết bị cá nhân có kết nối mạng được phát hiện để ngoài tầm kiểm soát sẽ được nhân viên trường thu hồi và giao cho thầy/cô Giám thị;
  • Học sinh cần đến gặp thầy/cô Giám thị trước khi được nhận lại thiết bị.

KIỂM SOÁT TRUY CẬP

Học sinh chỉ có thể truy cập internet và kết nối với hệ thống mạng của trường thông qua mạng không dây, bằng cách sử dụng tài khoản mà trường đã cung cấp chuyên biệt cho học sinh. Bất kỳ học sinh nào bị phát hiện kết nối thiết bị cá nhân vào hệ thống mạng bằng cáp Ethernet được cắm vào ổ cắm trên tường mà không có sự cho phép của giáo viên thì sẽ bị mất quyền kết nối mạng tại trường.

Học sinh không được truy cập hoặc cố ý truy cập vào bất kỳ máy vi tính, hệ thống máy tính, mạng máy tính, phương tiện lưu trữ thông tin, hoặc thiết bị ngoại vi mà không có sự đồng ý của giáo viên hoặc nhân viên có thẩm quyền.

Nhà trường có cài đặt hệ thống sàng lọc thông tin cho tất cả truy cập trên những thiết bị cá nhân có kết nối mạng. Mọi hành vi cố ý vượt khỏi giới hạn được thiết lập bởi hệ thống sàng lọc mạng (ví dụ như thông qua Mạng riêng ảo) đều bị nghiêm cấm.

CÂU LẠC BỘ

HỆ THỐNG CÂU LẠC BỘ

Nhằm mục đích khơi gợi tiềm năng và sở thích của học sinh, UTS tổ chức các câu lạc bộ thể thao, tư duy và nghệ thuật. Các câu lạc bộ tại UTS được phân loại thành 4 nhóm: Tư duy, Nghệ thuật, Vận độngKỹ năng. Danh sách các câu lạc bộ tại UTS được cập nhật thường xuyên vào mỗi năm học. 

Học sinh đăng ký câu lạc bộ khi có thông báo từ Nhà trường.

NỘI QUY CÂU LẠC BỘ

  • Học sinh tham gia câu lạc bộ cần tuân thủ những quy định sau:
  • Tham gia câu lạc bộ đúng giờ và đều đặn;
  • Học sinh được phép đăng ký tham gia tối đa 02 (hai) câu lạc bộ, nhưng cần phải đảm bảo sức khỏe và chất lượng học tập;
  • Học sinh không tự ý đổi hoặc bỏ câu lạc bộ khi chưa có sự đồng ý của người phụ trách câu lạc bộ và giáo viên chủ nhiệm;
  • Tập trung, tuân thủ các hướng dẫn của giáo viên/người hướng dẫn;
  • Đoàn kết, giúp đỡ nhau trong quá trình tập luyện, sinh hoạt;
  • Tự tin, chủ động đóng góp ý kiến;
  • Có ý thức giữ gìn các dụng cụ, tài sản của Nhà trường.

HỘI ĐỒNG HỌC SINH

MỤC ĐÍCH

Mỗi năm học, Hội đồng học sinh (HĐHS) sẽ được thành lập với các thành viên là đại diện cộng đồng học sinh UTS, nhằm mục đích:

Nâng cao tinh thần và truyền tải những thông điệp tích cực trong cộng đồng học sinh UTS.

Tạo môi trường rèn luyện thực tế để học sinh thể hiện bản lĩnh, khả năng lãnh đạo, khả năng điều phối công việc cũng như hoàn thiện kỹ năng làm việc nhóm một cách khoa học.

Là cầu nối giữa học sinh và Nhà trường, để Nhà trường lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết các vấn đề của học sinh trong học tập, đời sống học đường, các hoạt động sự kiện.

CƠ CẤU HỘI ĐỒNG HỌC SINH

VAI TRÒ CỦA HỘI ĐỒNG HỌC SINH

TT VỊ TRÍ CÔNG VIỆC ĐẢM NHIỆM
1 Chủ tịch Điều phối chung các dự án của HĐHS, chủ trì các cuộc họp, quản lý và làm việc trực tiếp với các thành viên còn lại trong HĐHS;
Thủ lĩnh tinh thần, truyền cảm hứng, khơi gợi sức sáng tạo và tinh thần làm việc cho các thành viên HĐHS & cả cộng đồng học sinh UTS;
Đại diện cho cộng đồng học sinh UTS và là người phát ngôn chính thức của HĐHS với toàn trường.
2 Phó chủ tịch Điều phối chung các dự án của HĐHS, quản lý và làm việc trực tiếp với các thành viên còn lại trong HĐHS;
Truyền cảm hứng, khơi gợi sức sáng tạo & tinh thần làm việc cho các thành viên HĐHS và cả cộng đồng học sinh UTS;
Giữ vai trò của Chủ tịch trong việc chủ trì cuộc họp, phát ngôn chính thức của HĐHS khi Chủ tịch vắng mặt.
3 Thư ký Ghi chép biên bản các cuộc họp, tổng hợp, lưu trữ thông tin;
Sắp xếp lịch nội bộ, lịch chung, điều phối lịch;
Đảm bảo thông suốt thông tin trong nội bộ HĐHS.
4 Trưởng ban

Truyền thông

Chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức điều phối các chiến dịch truyền thông do HĐHS chủ trì;
Tham vấn & duyệt nội dung các thông điệp của HĐHS tới học sinh và tới toàn trường;
Xây dựng văn hoá giao tiếp, truyền thông tích cực trong cộng đồng học sinh UTS.
5 Trưởng ban

Sự kiện

Chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức điều phối các sự kiện do HĐHS chủ trì;
Lên kế hoạch các sự kiện của HĐHS và đảm bảo các đầu việc được thực hiện đúng, đầy đủ;
Xây dựng văn hoá tự chủ, dấn thân trong cộng đồng học sinh UTS..
6 Trưởng ban

Tài chính – Đối nội

Dự trù, theo dõi và báo cáo ngân sách;
Quản lý thu và chi các hoạt động HĐHS;
Quản lý & xây dựng tinh thần làm việc tích cực trong nội bộ nhóm.

BẦU CỬ HỘI ĐỒNG HỌC SINH

Đối tượng tham gia: Học sinh từ lớp 5 đến lớp 11. Trong đó:

    • Từ lớp 5-9: ứng cử 1 học sinh vào HĐHS.
    • Từ lớp 10-11: ứng cử 3 học sinh vào HĐHS.

Tiêu chí ứng viên:

    • Có khả năng lãnh đạo;
    • Có kết quả học tập từ Khá – Giỏi trở lên;
    • Có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát;
    • Khả năng tổ chức và làm việc nhóm tốt;
    • Mong muốn phát triển bản thân và học hỏi những điều mới;
    • Có khả năng hùng biện và tự tin trước đám đông;
    • Biết lắng nghe và có khả năng giải quyết xung đột trong ôn hòa;
    • Sẵn sàng để thử thách bản thân và tạo ra những điều khác biệt mới;
    • Có khả năng sáng tạo và cầu tiến.

SƠ ĐỒ TRƯỜNG HỌC

UTS Văn Lang Complex

 

uts gò vấp

UTS Botanique Campus

 

uts quận 4

LIÊN HỆ THÔNG TIN VÀ YÊU CẦU HỖ TRỢ

Giáo dục là trách nhiệm của cả xã hội. UTS quan niệm rằng gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc học tập và ứng xử của học sinh. Vì thế, Nhà trường và Phụ Huynh cần thường xuyên trao đổi, kết nối với nhau để cùng mang lại môi trường học tập, sinh hoạt tốt nhất cho học sinh và cộng đồng UTS. UTS hoan nghênh tất cả Phụ huynh liên hệ với Nhà trường nếu có các câu hỏi hoặc cần hỗ trợ.

THÔNG TIN PHỤ HUYNH

Phụ huynh cần cung cấp cho Nhà trường thông tin liên lạc của ít nhất 02 (hai) người được nhận những thông tin liên quan đến việc học tập của học sinh, bao gồm số điện thoại nhà và số điện thoại di động, địa chỉ liên hệ (thường trú và tạm trú và bao gồm cả địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp), và địa chỉ thư điện tử. Mọi sự thay đổi về địa chỉ liên lạc phải được cập nhật về Văn phòng Trường sớm nhất có thể để việc liên lạc không bị gián đoạn.

CÁC KÊNH THÔNG TIN LIÊN HỆ

NỀN TẢNG HỌC TẬP TÍCH HỢP TẬP MANAGEBAC

ManageBac là một trong những chương trình quản lý học tập hàng đầu được sử dụng tại các trường quốc tế trên khắp thế giới. ManageBac hỗ trợ một cách hiệu quả trong việc soạn giáo trình, đánh giá và báo cáo. Ngoài ra, ManageBac còn giúp làm tăng mối liên kết giữa Nhà trường, Phụ huynh và học sinh.

THƯ ĐIỆN TỬ

Trung tâm Hỗ trợ Phụ huynh Học sinh: office@utschool.edu.vn tiếp nhận, xử lý các vấn đềvà thắc mắc của Phụ huynh liên quan đến các hoạt động Nhà trường.

SMS

SMS chỉ có mục đích nhắc nhở Phụ Huynh xem thông tin trên ManageBac/email hoặc những thông tin khẩn cấp.

TỔNG ĐÀI

Trung tâm Hỗ trợ Phụ huynh học sinh: 028 710 27788 – Nhánh 1

WEBSITE

Website của Nhà trường: www.utschool.edu.vn là trang thông tin chính thức, nơi Phụ huynh có thể tìm thấy các thông tin chung về Nhà trường, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình học tập. Phụ huynh có thể truy cập vào website để biết thời gian biểu, lịch sự kiện và tin tức mới nhất.

FANPAGE

Trang Facebook của Nhà trường là nơi chia sẻ hình ảnh, video về các hoạt động của học sinh tại UTS. Nhà trường khuyến nghị, khi Phụ huynh có bất cứ ý kiến hay câu hỏi, vướng mắc nào, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Giáo viên hoặc Ban Giám hiệu và trường để được giải đáp thay vì đăng tải trên các kênh mạng xã hội khi chưa có đầy đủ thông tin chính xác.

HỌP PHỤ HUYNH

Nhà trường tổ chức các cuộc họp định kỳ giữa phụ huynh với Nhà trường hoặc Phụ huynh với Giáo viên chủ nhiệm và Giáo viên bộ môn. Lịch họp trong năm đã được ghi chú trong Lịch năm học. Ngoài ra, Phụ huynh có thể hẹn gặp giáo viên, Hiệu phó hay Hiệu trưởng bằng cách sắp xếp cuộc hẹn trước với Văn phòng trường.

HỘI THẢO PHỤ HUYNH

Nhà trường định kỳ tổ chức các buổi hội thảo về nhiều chủ đề khác nhau với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để tư vấn cho Phụ huynh. Mục tiêu của những buổi hội thảo này nhằm giúp Phụ huynh cập nhật các kiến thức mới, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và phối hợp với Nhà trường trong công tác giáo dục học sinh.